Chiều 28/3, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Tham dự buổi làm việc có Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, cùng đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ninh đã báo cáo đoàn công tác về tình hình 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị số 13, tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp uỷ đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của tài nguyên rừng. Hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp được tăng cường, tình trạng vi phạm pháp luật lâm nghiệp giảm.
Nhiều chương trình, đề án, kế hoạch triển khai có hiệu quả đóng góp vào sự tăng trưởng của lĩnh vực lâm nghiệp, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, nâng tỷ lệ che phủ rừng và nâng cao chất lượng rừng.
Các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, chính sách khoán bảo vệ rừng, dịch vụ môi trường rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư đã tạo nguồn thu nhập và sinh kế cho người dân.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực lâm nghiệp được nghiêm túc triển khai thực hiện. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, theo dõi, giám sát tài nguyên rừng được thực hiện hiệu quả.
Việc đưa các giống cây trồng lâm nghiệp mới có nguồn gốc xuất xứ, cây bản địa, có chất lượng tốt đã góp phần tăng năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất tập trung cây gỗ lớn, cây bản địa của từng địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Ninh cũng đã nêu rõ một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như: Cơ chế chính sách bảo vệ phát triển rừng bền vững chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh để tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất lâm nghiệp đặc biệt là trồng mới rừng gỗ lớn.
Chuyển rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, đặc dụng, phát triển dược liệu và xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất lâm nghiệp. Chưa kịp thời điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, thuế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư lớn vào lĩnh vực lâm nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Chỉ thị 13 Trần Tuấn Anh biểu dương những kết quả tích cực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế – xã hội.
Bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân cũng như chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đã nỗ lực vượt bậc để có được những thành công lớn. Hàng loạt đề án lớn, chương trình, kế hoạch và chiến lược phát triển của địa phương đều được lồng ghép và có nội dung liên quan đến tinh thần của Chỉ thị 13.
Quản lý bảo vệ và phát triển rừng là thành tố vô cùng quan trọng để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của địa phương trên tất cả các lĩnh vực. Ông Trần Tuấn Anh đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh trong việc thực hiện Chỉ thị 13 với nhiều kết quả nổi bật.
Là địa phương đi đầu trong cả nước về triển khai thực hiện Chỉ thị 13, cũng là tỉnh đầu tiên mà Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết về phát triển rừng bền vững. Tỉnh luôn chủ động, trách nhiệm, triển khai xuyên suốt và đưa ra nhiều kinh nghiệm, mô hình về quản lý và phát triển rừng.
Nhấn mạnh các mục tiêu lớn là một cực trong tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh phát phát huy vai trò đầu tàu, động lực trong phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, phát triển các hành lang kinh tế, tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, quốc tế.
Ông Trần Tuấn Anh đề nghị tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như: Tiếp tục rà soát, bổ sung, ban hành mới chương trình, kế hoạch, đề án để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13 trên địa bàn tỉnh. Quan tâm nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch bài bản, hiệu quả; tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách; tập trung xử lý các vấn đề nóng, tồn đọng trong thực tiễn cuộc sống, đặc biệt là các giải pháp căn cơ để duy trì và nâng cao bền vững tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn. Đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp; thực hiện phát triển rừng bền vững, gắn phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tăng cường quản lý, bảo vệ, khôi phục và nâng cao chất lượng rừng. Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng hướng tới việc thực hiện cam kết quốc tế giảm mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Có giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, đất quy hoạch lâm nghiệp. Thực hiện tốt các giải pháp về an sinh xã hội, tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực có rừng. Nghiên cứu thực hiện các giải pháp căn cơ, đồng bộ, thúc đẩy lẫn nhau trong phát triển kinh tế rừng và kinh tế biển…