Ngày 4/7, tại Hà Nội, Cục Lâm nghiệp phối hợp với AFoCO và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo kỹ thuật xây dựng ý tưởng dự án hợp tác về nông lâm kết hợp bền vững để nâng cao trữ lượng các bon và sinh kế của người dân khu vực Tây Bắc Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ, hoàn thiện, triển khai ý tưởng hợp tác mới trong lĩnh vực nông lâm kết hợp tại Việt Nam. Đặc biệt là góp phần cải thiện sinh kế cho cộng đồng tại 4 tỉnh Tây Bắc gồm, Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu.
heo thông tin tại Hội thảo, Việt Nam có trên 1,2 triệu ha đất canh tác cây nông nghiệp trên đất dốc, trong đó vùng Tây Bắc gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu chiếm tới trên 515.000 ha. Các loại cây trồng trên cạn như sắn, ngô, lúa nương, thảm thực vật và các loại cây trồng hàng năm khác đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của người dân ở khu vực này, đặc biệt là các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, việc canh tác nông nghiệp trên đất dốc như hiện nay thiếu bền vững, có nguy cơ gây xói mòn và thoái hóa đất, do tập quán canh tác của người dân địa phương chủ yếu là trồng ngô độc canh làm thức ăn cho gia súc, trên địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn. Để giải quyết vấn đề trên, sản xuất nông lâm kết hợp được coi là một trong những giải pháp rất hiệu quả.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu những thông tin chung về thị trường Acorn và các-bon tự nguyện, thông tin chung về việc xây dựng kế hoạch hành động liên quan đến biến đổi khí hậu của AfoCO giai đoạn 2024 – 2030. Về phía Việt Nam, đại diễn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cũng đã chia sẻ thông tin về thí điểm triển khai chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ và một số thông tin về dự án các-bon tại Việt Nam.
Theo ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, hoạt động sản xuất Nông lâm kết hợp vừa cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho người dân trên một đơn vị diện tích canh tác, đồng thời góp phần phục hồi cảnh quan và giảm phát thải khí nhà kính. “Tôi cho rằng ý tưởng của hội thảo xây dựng dự án về nông lâm kết hợp bền vững để nâng cao trữ lượng các bon và sinh kế của người dân khu vực Tây Bắc Việt Nam là rất thiết thực, phù hợp với Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” – Ông Lực khẳng định.
Dự án tăng cường hệ thống nông lâm kết hợp bền vững để nâng cao trữ lượng các-bon và sinh kế của người dân ở Tây Bắc Việt Nam dự kiến sẽ được thực hiện trong thời gian tối thiểu là 20 năm, với các hoạt động chính như xây dựng vườn ươm sản xuất cây giống chất lượng cao, trồng rừng gỗ lớn giá trị cao gắn với các hoạt động nông lâm kết hợp; song song với đó là các hoạt động nâng cao năng lực cho cộng đồng.
Theo PGS.TS Phùng Văn Khoa, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, ý tưởng dự án cần tiếp tục nghiên cứu tiền khả thi, đánh giá sự sẵn sàng tham gia và các điều kiện liên quan cũng như thực hiện thí điểm. PGS.TS Phùng Văn Khoa cũng gợi ý dự án xem xét mở rộng địa bàn sang các tỉnh khu vực Đông Bắc cũng như kế thừa kết quả của các chương trình, dự án đã thực hiện.
Đánh giá về kết quả hội thảo, ông Haverkort Harm Bernard, Trưởng đại diện châu Á, Ngân hàng Rabobank, Hà Lan cho rằng những thông tin tại Hội thảo rất có giá trị cho việc hoàn thiện xây dựng dự án. Đồng thời tạo ra cơ hội hợp tác cùng tạo ra giá trị, cơ hội cho những người nông dân phát triển nông lâm nghiệp bền vững, ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu.