Số lượng cá thể Voi tại Đồng Nai tăng gấp đôi trong thời gian qua, từ 14 cá thể được ghi nhận trước đây, nay đã tăng lên 25-27 cá thể. Đó là kết quả quan trọng được công bố tại Hội thảo do Cục Lâm nghiệp, UBND tỉnh Đồng Nai và tổ chức Humane Society International (HSI) đồng tổ chức ngày 30/8/2023 tại Đồng Nai.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp phát biểu tại Hội thảo
Trong vòng 3 thập niên gần đây, quần thể Voi hoang dã tại Việt Nam suy giảm mạnh từ khoảng 2.000 cá thể xuống còn khoảng 100-130 cá thể. Đồng Nai là nơi sống của quần thể Voi hoang dã lớn thứ hai trên cả nước và có nguồn lực về con người và kỹ thuật để ứng dụng khoa học công nghệ mới. Trong hai năm qua, HSI đã thực hiện chương trình Giám sát voi bằng bẫy ảnh để xây dựng một cơ sở dữ liệu đầy đủ nhất các thông tin. Ghi nhận và định dạng được từng cá thể Voi và lập thẻ định dạng riêng gồm tên tiếng Việt, tuổi, giới tính, đặc điểm nhận dạng riêng nổi bật để phân biệt giữa các cá thể; đặc điểm thể trạng và xác định phân loại nhóm, đàn cụ thể trong sinh cảnh sống của chúng.
Dự án với cách tiếp cận hợp tác ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động Giám sát Voi qua việc đặt bẫy ảnh, phân tích đánh giá cơ sở dữ liệu thu thập và đề xuất giải pháp bảo tồn có tính khả thi cao (đảm bảo tính khoa học và thực tiễn) đã tạo nên một phát kiến mới trong nỗ lực bảo tồn Voi hoang dã tại Việt Nam, góp phần duy trì, bảo tồn và phát triển loài được xếp vào bậc Nguy cấp trong danh mục Sách đỏ của IUCN.
Các sáng kiến được thử nghiệm của dự án đang được đánh giá bài học kinh nghiệm để đề xuất đưa vào Kế hoạch Hành động Quốc gia về Bảo tồn voi tại Việt Nam giai đoạn 2023- 2032, tầm nhìn 2050. Chương trình thí điểm này gồm 3 hoạt động chính, đó là: Đặt bẫy giám sát voi để định dạng từng cá thể, nắm bắt cấu trúc đàn; Ứng dụng công nghệ linh hoạt để giám sát các vụ xung đột voi – người; Khảo sát vùng sống/vùng phân bố của voi hướng tới mục tiêu thấu hiểu hơn hành vi và nhu cầu của voi, mức độ và tần suất xung đột để có thể điều chỉnh các biện pháp giảm thiểu xung đột voi người theo hướng nhân đạo.
Theo bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc Quốc gia của HSI thì quần thể voi của Việt Nam hiện nay quá nhỏ, nếu chúng ta không hành động gấp rút để bảo vệ chúng, quần thể voi này sẽ phải đối mặt với khả năng tuyệt chủng trong thời gian không xa. HSI hy vọng kết quả khả quan tại Đồng Nai là tín hiệu tốt để có thể nhân rộng sáng kiến áp dụng mở rộng ở tất cả các tỉnh có voi phân bố tại Việt Nam, đặc biệt là ở Đắk Lắk, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Nam nơi những quần thể voi rất quan trọng của Việt Nam đang sinh sống, nhằm xác định chính xác hơn số lượng cá thể voi trên toàn quốc.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp khẳng định trong những thập kỷ gần đây, cũng như các quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam cũng luôn đối mặt với vấn đề “bảo tồn và phát triển” làm thế nào để bảo tồn được thiên nhiên, những vẫn đảm bảo không gian cho các hoạt động phát triển kinh tê xã hội khác. Chính phủ Việt nam luôn dành sự ưu tiên cao nhất cho các hoạt động bảo tồn thông qua việc tham gia các công ước quốc tế, cải cách thể chế và xây dựng các chương trình hành động bảo tồn loài cụ thể.
Ông Võ Văn Phi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết thực hiện quyết định của Thủ tướng, năm 2013 tỉnh đã phê duyệt dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2014-2020. Dự án đã cơ bản đạt được bốn mục tiêu cụ thể gồm: bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi hoang dã; khôi phục bảo vệ nguồn gene động vật, thực vật quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi; ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi và người; tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động buôn bán vận chuyển trái phép ngà và dẫn xuất của voi… Đặc biệt, việc xây dựng 75km hàng rào điện đã phát huy tác dụng, ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi và người. Người dân được bảo vệ tính mạng và tài sản, yên tâm sinh sống và sản xuất.
Dữ liệu thu thập được và các chương trình thử nghiệm này là cơ sở để Đồng Nai có thể bảo tồn và tăng đàn trong thời gian tới, cũng như hy vọng rằng các chương trình này có thể được nhân rộng ở các tỉnh có voi phân bố ở Việt Nam, nhằm hỗ trợ đưa ra các giải pháp phù hợp giảm thiểu xung đột giữa người và voi, hướng tới chung sống hài hòa.
Thông qua Hội thảo, các đại biểu cũng mong muốn sẽ đưa ra ý kiến để giúp các nhà hoạch định chính sách xác định được những hoạt động ưu tiên trong giai đoạn cuối của quá trình xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn voi tại Việt Nam giai đoạn 2023-2032, tầm nhìn 2050.
Trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra các hoạt động như triển lãm ảnh “Tử tế với loài Voi và thiên nhiên tươi đẹp“,vẽ tranh với chủ đề “Voi với người là bạn, cùng chung sống hài hoà” và hoạt động ”Nhảy vì sự tử tế với loài Voi và cùng nhau chung sống an toàn với Voi hoang dã”.