Trong những năm gần đây, thiết bị bay không người lái đã trở nên phổ biến và được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, trong đó có lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt là các hoạt động thập dữ liệu về tình trạng rừng, giám sát đa dạng sinh học… So với các phương pháp truyền thống, thiết bị bay không người lái giúp rút ngắn thời gian thu thập dữ liệu, giảm chi phí và nâng cao độ chính xác của dữ liệu.
Theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2022, nước ta có trên 14,79 triệu ha rừng, đa phần có địa hình phức tạp, khó khăn. Với diện tích rừng lớn, trong khi nguồn lực để quản lý và bảo vệ rừng còn hạn chế thì việc ứng dụng công nghệ bay không người lái là một giải pháp quan trọng được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Hình 1. Ứng dụng thiết bị bay không người lái tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắc Lắc
Hiện nay, thiết bị bay không người lái thường được sử dụng trong lĩnh vực lâm nghiệp với mục đích giám sát rừng và theo dõi sự biến động của rừng. Cụ thể, các thiết bị bay không người lái được trang bị camera và cảm biến, cho phép người dùng thu thập dữ liệu về tình trạng rừng một cách nhanh chóng và chi tiết. Dữ liệu thu thập được sau đó có thể được phân tích bằng các công cụ GIS để theo dõi sự biến động về diện tích rừng, tình trạng cây xanh, đa dạng sinh học,…
Ứng dụng bay không người lái trong lâm nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, như giám sát rừng thường xuyên, liên tục hơn, nhất là những khu vực rừng hiểm trở mà con người khó tiếp cận; cung cấp thông tin và giúp cơ quan quản lý nắm bắt nhanh chóng và chính xác diễn biến rừng, từ đó có các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng kịp thời. Bên cạnh đó, ứng dụng này cũng giúp giảm áp lực về nhân sự cho các địa phương, các chủ rừng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc ứng dụng thiết bị bay không người lái trong lâm nghiệp cũng gặp một số thách thức. Chi phí đầu tư cho thiết bị và đào tạo nhân lực tương đối cao. Việc khai thác và phân tích dữ liệu thu được cần có các công cụ và nhân lực chuyên môn cao. Việc vận hành thiết bị bay không người lái cũng gặp phải nhiều khó khăn do thiếu các quy chế, quy định cũng như khó khăn khi cần sửa chữa, thay thế linh kiện… dẫn đến thiết bị không phát huy được hết các chức năng, hiệu quả trong công việc.
Cũng không ít địa phương cũng gặp vấn đề khi “mua nhầm” thiết bị, do hiện nay trên thị trường thường phổ biến 02 loại thiết bị bay không người lái, được chia theo mục đích sử dụng. Để thực hiện các nhiệm vụ lâm nghiệp, các đơn vị cần sử dụng thiết bị bay chuyên dụng, phục vụ các nhiệm vụ bay theo chỉ định, sử dụng phần mềm chuyên dụng… mà những thiết bị bay thông thường không đáp ứng được.
Hình 2. Ứng dụng thiết bị bay không người lái trong giám sát trồng rừng ven biển
Nhìn chung, tiềm năng của công nghệ bay không người lái trong lĩnh vực lâm nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, để tối đa hóa hiệu quả, các cơ quan lâm nghiệp cần chú trọng nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ, hoàn thiện các quy định pháp lý, tăng cường hợp tác đa ngành và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số lĩnh vực lâm nghiệp. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng ở Việt Nam thời gian tới.
Hình 3. Ứng dụng thiết bị bay không người lái trong giám sát đa dạng sinh học