Định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội miền Tây Nghệ An

Trong 2 ngày 17 và 18/11/2023 tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã diễn ra sự kiện “Trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng, tiềm năng của miền tây Tỉnh Nghệ An. Sự kiện do Tỉnh Nghệ An cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức nhằm tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, các tiềm năng, lợi thế; thúc đẩy phát triển kinh tế  – xã hội vùng miền tây tỉnh Nghệ An.

Tâm điểm của chuỗi sự kiện là buổi Toạ đàm với chủ đề “Định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội miền Tây Nghệ An”. Tại buổi Toạ đàm, ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An cho biết, thời gian qua, miền Tây Nghệ An đã có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 7,5%. Riêng lĩnh vực nông nghiệp phát triển tương đối mạnh, đã hình thành một số vùng sản xuất cây nguyên liệu, chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với chế biến công nghiệp; dịch vụ có bước chuyển biến tích cực; bộ mặt nông thôn và miền núi có nhiều khởi sắc.

Các diễn giả tham gia Toạ đàm

Theo ông Thái Thanh Quý, đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, là khu vực có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của tỉnh, có tiềm năng và lợi thế phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu.

Tuy nhiên, phương thức sản xuất của vùng chủ yếu là kinh tế hộ tiểu nông, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán. Việc khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên rừng… còn hạn chế.

 Để phát triển kinh tế – xã hội miền Tây Nghệ An, ngày 18/7/2023 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 về Quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được xem là những căn cứ, cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội tại tỉnh Nghệ An.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành và phát triển 3 hành lang kinh tế gắn với địa bàn miền Tây Nghệ An. Đó là hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh với trọng tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái; hành lang kinh tế Quốc lộ 7 với trọng tâm là phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, cộng đồng; hành lang kinh tế quốc lộ 48A với trọng tâm là phát triển lâm nghiệp, kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến.

Tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế so sánh gắn với các cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm, như: kinh tế rừng (cây lâm nghiệp phục vụ chế biến gỗ, đồ gỗ…), cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày (mía, chè, cao su…), cây ăn quả (cam, quýt, bưởi…), cây dược liệu, chăn nuôi gia súc (bò thịt, bò sữa, lợn…), các sản phẩm đặc sản, đặc hữu khác… trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao; chú trọng phát triển một số sản phẩm thế mạnh theo địa bàn.

Tỉnh sẽ phát huy lợi thế, khai thác có hiệu quả tài nguyên rừng, cảnh quan thiên nhiên (hệ sinh thái) và giá trị thương hiệu của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với đời sống, bản sắc văn hóa các dân tộc…

“Miền Tây Nghệ An, đang thực hiện chi trả dịch vụ tín chỉ carbon. Đây là nguồn lực bền vững, có thể giúp người dân hưởng lợi lâu dài” -PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ. ảnh: Tùng Đinh

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Nghệ An là một trong những địa phương có tiềm năng, lợi thế thuộc nhóm đầu cả nước. Nghệ An có biển, sông, núi, rừng, cửa khẩu…, đặc biệt có cả một vùng miền Tây rộng lớn với nhiều tiềm năng.

Ông Trần Đình Thiên tư vấn, Nghệ An có thể học hỏi từ cách làm của Sơn La. Nghệ An cần định vị lại các tài nguyên, lợi thế của miền Tây, từ đó quyết chọn hướng phát triển. Khi có tầm nhìn chiến lược thì cần chính sách đột phá cho doanh nghiệp vào đầu tư. Một số dư địa được ông Thiên đưa ra trong tương lai có thị trường carbon. Tại khu vực Bắc Trung bộ, trong đó có miền Tây Nghệ An, đang thực hiện chi trả dịch vụ tín chỉ carbon. Đây là nguồn lực bền vững, có thể giúp người dân hưởng lợi lâu dài.

Từ kinh nghiệm thành công của TH, anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH – bà Thái Hương chia sẻ, để miền Tây Nghệ An phát triển thì cần có tư duy chiến lược thương hiệu xuyên suốt, chất lượng sản phẩm phải đi đầu; cần có chiến lược sản phẩm ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, phải ứng dụng khoa học – công nghệ. Bà Thái Hương cũng gợi ý, tỉnh “cần rà soát lại nguồn lực đất đai ở miền Tây Nghệ An, giao cho các doanh nghiệp có đủ tâm – trí – lực. Các doanh nghiệp này cần trở thành trụ cột và lôi kéo người nông dân đi theo, trở thành một mắt xích trong chuỗi liên kết sản xuất, như cách chúng tôi đã làm và đã rất thành công”.

Còn theo bà Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên Quốc gia, Chương trình tài trợ nhỏ, Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đề nghị tỉnh Nghệ An tiếp tục quan tâm vấn đề trồng dược liệu dưới tán rừng; gắn phát triển sinh kế với bảo tồn một số loại cây như mét, dược liệu. Đồng thời quan tâm đầu tư phát triển du lịch cộng đồng bền vững tại một số điểm tiềm năng như Rừng săng lẻ Tam Đình; Bản Xiềng, Khe Cớ (huyện Tương Dương) các xã Mường Lống, Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn)…

Đại diện UNDP đề nghị địa phương quan tâm chỉ đạo các chủ rừng phối hợp, xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích với cộng đồng, người dân nhằm quản lý và sử dụng rừng bền vững, xây dựng các vùng nguyên liệu chuẩn, tiến tới nâng cao giá trị sản phẩm và cuộc sống cho người dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng,  miền Tây xứ Nghệ được thiên nhiên ban tặng khí hậu, thổ nhưỡng đất đai, tài nguyên dưới tán rừng, dòng sông Lam chảy qua, sự đa dạng về văn hóa, cùng với nhiều sản vật… nhưng chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, tỉnh cần tiếp cận một cách tổng thể để khơi dậy tiềm năng từ tài nguyên bản địa, cộng với văn hóa của các dân tộc miền Tây, cấu trúc cộng đồng xã hội. Đó là câu chuyện của phía Tây Nghệ An, câu chuyện để tăng thêm giá trị cho những nông sản cũng như phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng gợi ý, ngay sau buổi Toạ đàm này, Bộ sẽ cùng với Tỉnh “gạch đầu dòng” những việc cần bắt tay vào làm ngay cho miền Tây Nghệ An.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trải nghiệm không gian văn hoá của Nghệ An. ảnh: Tùng Đinh

Tại sự kiện, Các gian hàng trưng bày sản phẩm đã giới thiệu hơn 160 sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc 11 huyện, thị xã miền tây tỉnh Nghệ An, chủ yếu là các sản phẩm OCOP được trưng bày theo các chủ đề như, sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản đặc trưng, sản phẩm làng nghề dệt thổ cẩm, làng nghề hương trầm; các sản phẩm gỗ chế biến như viên nén, ván ghép; sản phẩm thủ công mỹ nghệ như mây tre đan,…