Sáng 19/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) mới trong lĩnh vực lâm nghiệp. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ NN&PTNT với sự tham gia của trực tuyến của các Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị chủ trì Hội nghị Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực lâm nghiệp
Báo cáo tại Hội nghị, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, sau khi Luật Lâm nghiệp được Quốc hội thông qua, Tổng cục Lâm nghiệp (nay là Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm) đã tham mưu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 39 văn bản, trong đó có 11 Nghị định, 02 Quyết định và 26 Thông tư để quy định chi tiết và tổ chức thi hành Luật Lâm nghiệp.
Đại diện Cục Lâm nghiệp cũng giới thiệu tại Hội nghị 10 nội dung văn bản quy phạm pháp luật mới lĩnh vực lâm nghiệp gồm:
– Điều 248, Luật Đất đai năm 2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp năm 2017
– Nghị định số 04/2024/NĐ-CP ngày 12/01/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp
– Nghị định số 27/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp
– Thông tư số 13/2023/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2022 của Bộ NN&PTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững
– Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2028 quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng.
– Thông tư số 17/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 Thông tư ban hành Bảng mã HS đối với hàng hóa là thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và động vật, thực vật thuộc các Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
– Thông tư số 20/2023TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ NN&PTNT sửa đổi bổ sung Thông tư số 32/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT quy định phương pháp định giá rừng; khung giá rừng.
– Thông tư số 21/2023/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT hướng dẫn một số nội dung định mức kinh tế kỹ thuật lâm nghiệp
– Thông tư số 22/2023 ngày 15/12/2023 của Bộ NN&PTNT sửa đổi, bổ sung một số thông tư về lâm nghiệp
– Thông tư số 23/2023/TT-BNN&PTNT của Bộ NN&PTNT hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực sử dụng đất và lâm nghiệp.
Ông Trần Quang Bảo – Cục trưởng Cục Lâm nghiệp phát biểu tại hội nghị
Trao đổi tại Hội nghị, đại diện Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm cũng đã giải một số thắc mắc của địa phương về quy định về đơn giá, sử dụng tiền trồng rừng thay thế; chuyển mục đích sử dụng rừng, khai thác gỗ rừng tự nhiên, cho thuê môi trường rừng,… Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, Thông tư số 23/2023/TT-BNN&PTNT mới được ban hành sẽ triển khai cấp độ rộng hơn về kiểm kê khí nhà kính và xác định mức đóng góp của lâm nghiệp trong cam kết giảm phát thải của Chính phủ. Quá trình triển khai sẽ hướng dẫn và trao đổi cụ thể với các địa phương.
Ông Bùi Chính Nghĩa – Cục trưởng Cục Kiểm lâm phát biểu tại hội nghị
Ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm cũng đề nghị, trong quá trình tổ chức thực hiện các băn bản quy phạm pháp luật mới, các địa phương cần xây dựng kế hoạch triển khai, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc và Cục Kiểm lâm sẵn sàng chia sẻ, giải đáp. Trong thời gian tới, Cục Kiểm lâm sẽ tham mưu Bộ triển khai các VBQPPL khác, trong đó có Nghị định sửa đổi số 01/2019/NĐ-CP về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, đây là Nghị định quan trọng liên quan đến hoạt động của lực lượng kiểm lâm.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng đề nghị các địa phương, khi có vướng mắc trong quá trình triển khai cần trao đổi trực tiếp với Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Vụ Pháp Chế của Bộ Nông nghiệp và PTNT để kịp thời được giải đáp và thống nhất trong cách hiểu, cách triển khai.
“Hội nghị hôm nay cũng là một diễn đàn để các tỉnh chia sẻ cách triển khai thực hiện, các tỉnh đã làm được chia sẻ với tỉnh chưa làm được, các tỉnh chưa làm được cần lắng nghe, rút kinh nghiệm, để tiến tới tất cả các tỉnh đều triển khai hiệu quả”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.
Các địa phương cũng cần khắc phục những đặc thù khó khăn của ngành như phạm vi rộng, quy mô lớn, đối tượng chủ yếu là người dân ở vùng nông thôn miền núi, đời sống còn khó khăn,… để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bằng các giải pháp như ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu./.