Ngày 22/3, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Cục Lâm nghiệp tổ chức Hội nghị “Triển khai kế hoạch của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng và một số nhiệm vụ trọng tâm của Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ năm 2024”, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) Việt Nam chủ trì hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của đại biểu đại diện cho Văn phòng Chính phủ, các Cục, Vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và lãnh đạo, chuyên viên Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Quỹ BV&PTR, chủ rừng của 39 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của hệ thống Quỹ BV&PTR cả nước trong năm 2023, xác định phương hướng, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách trong thời gian tới; đồng thời thúc đẩy việc triển khai Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ tại các địa phương.
Theo Báo cáo của Quỹ BV&PTR Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2023, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt trên 4.156 tỷ đồng, trong đó thu từ 04 loại dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP trên 3.159 tỷ đồng, thu theo thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ là hơn 997 tỷ đồng (tương ứng 80% lượng kết quả giảm phát thải ký kết).
Bên cạnh đó, việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2022 cho người dân đã cơ bản được hoàn thành với số tiền hơn 3.336 tỷ đồng, hỗ trợ quản lý, bảo vệ cho 7,28 triệu ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, chiếm 49,24% tổng diện tích rừng toàn quốc. Số tiền chi trả chủ yếu được thực hiện qua tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch điện tử đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả.
Năm 2023 là năm đánh dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tấn các-bon kết quả giảm phát thải khí nhà kính từ rừng tự nhiên vùng Bắc Trung Bộ cho Quỹ Đối tác Các-bon lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới theo quy định tại Nghị định số 107. Dấu mốc này đã được ghi nhận là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Nông nghiệp năm 2023.
Tại Hội nghị, 06 báo cáo tham luận của các địa phương và ý kiến thảo luận của nhiều đại biểu tham dự đã nêu lên những kết quả đạt được cũng như khó khăn bất cập, trong quá trình triển khai chính sách theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, đặc biệt là việc thực hiện thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP. Và nhiều ý kiến trao đổi đã kịp thời giải đáp, tháo gỡ vướng mắc, góp phần thúc đẩy thực hiện hiệu quả chính sách tại địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ BV&PTR Việt Nam ghi nhận những kết quả đã đạt được trong năm vừa qua của hệ thống Quỹ BV&PTR cả nước, đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong năm 2024 như: Tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP và thí điểm thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP đảm bảo thu đúng, thu đủ và chi trả kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng; Phấn đấu đạt mục tiêu thu tiền dịch vụ môi trường rừng toàn quốc năm 2024 (theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP) là 3.200 tỷ đồng; giải ngân cho các chủ rừng đạt 70% số tiền thu được trước Tết Nguyên đán, đặc biệt là cho các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư ở thôn, bản; đồng thời, đảm bảo duy trì 7,3 triệu ha rừng trong lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng, chiếm 49,24% tổng diện tích rừng của cả nước; Nghiên cứu đề xuất tăng mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở sản xuất thuỷ điện và cơ sở sản xuất nước sạch theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ./.