Triển khai Nghị định số 91/2024/NĐ-CP của Chính phủ

Sáng 31/7/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị phổ biến, triển khai Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/11/2024 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đồng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp hết hợp trực tuyến với khoảng 100 đại biểu và điểm cầu tham gia.

Nghị định số 91/2024/NĐ-CP được kết cấu gồm 4 Điều. Điều 1 sửa đổi một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP. Điều 2 bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ, điểm, khoản, phụ lục của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP. Điều 3 quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện và Điều 4 quy định về điều khoản thi hành. Nghị định cũng đã có hiệu lực ngay khi ban hành, từ 18/7/2024.

Cụ thể, nghị định sửa đổi, bổ sung 05 nhóm quy định. Thứ nhất là phần giải thích từ ngữ; tiêu chí rừng tự nhiên, rừng trồng. Thứ hai là quy định về thành lập khu rừng đặc dụng, phòng hộ; khai thác rừng đặc dung, phòng hộ và sản xuất. Thứ ba là trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện đề án, dự án và quản lý xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng; sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp trong phòng hộ, rừng sản xuất. Thứ tư là kế hoạch chuyển mục đích sử dụng rừng (CMĐSDR); trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, chuyển loại rừng, quyết định chủ trương CMĐSDR, thu hồi rừng, quyết định CMĐSDR. Thứ năm là dịch vụ môi trường rừng, một số hoạt động được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung quy định về điều chỉnh chủ trương CMĐSDR sang mục đích khác.

Với giá trị đa dạng sinh học cao và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, các khu rừng có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí

Theo Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, về quản lý hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng, Nghị định số 91/2024/NĐ-CP đã quy định cụ thể nội dung, trình tự phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí trong rừng; phân cấp thẩm quyền phê duyệt ở địa phương từ UBND cấp tỉnh bằng Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Bổ sung quy định cụ thể hơn lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng về: nội dung, thủ tục, cách thức thực hiện, tính điểm. Chủ dự án thuê môi trường rừng không phải thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng trên diện tích thuê môi trường. Quy định cụ thể về quản lý các hoạt động xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng. Hướng tới quản lý rừng bền vững, có sự kiểm soát chặt chẽ thông qua quy định về quy mô, tỷ lệ phần trăm được phép xây dựng công trình trong các loại rừng và từng phân khu chức năng của khu rừng đặc dụng; đồng bộ với quy định pháp luật về đất đai và xây dựng trong cấp phép xây dựng.

Cục trưởng Trần Quang Bảo trình bày những nội dung cơ bản của Nghị định 91/2024/NĐ-CP 

Đối với nội dung giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, quyết định CMĐSDR, Nghị định đã quy định cụ thể, đầy đủ về trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, quyết định CMĐSDR cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để tháo gỡ được vướng mắc của Nghị định 156/2018/NĐ-CP là thống nhất, đồng bộ với trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất.

Đặc biệt, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương CMĐSDR cũng được đơn giản về hồ sơ, giảm thời gian thực hiện TTHC. Thẩm quyền quyết định chủ trương CMĐSDR chỉ còn 1 cấp là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (không còn cấp Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. HĐND quyết định chủ trương CMĐSDR gồm cả rừng tự nhiện và rừng trồng; không phân biệt về quy mô diện tích rừng để trình các cấp khác nhau). Đối với dự án dự án đầu tư có đề xuất CMĐSDR thuộc thẩm quyền chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh thì văn bản chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án đồng thời là chủ trương CMĐSDR của dự án. Quy định rõ tiêu chí dự án được CMĐSDR tự nhiên và đã được mở rộng hơn về đối tượng (bổ sung dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp). Bổ sung quy định mới về điều chỉnh chủ trương CMĐSDR.

Tại Nghị định này, cũng đã bổ sung danh mục các cơ sở công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước làm cơ sở để xác định cụ thể ngành nghề cơ sở công nghiệp có sử dụng nước để thực hiện nghĩa vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Luật Lâm nghiệp. Bổ sung quy định về điều tiết phù hợp cho diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Quy định cụ thể về vị trí của các đơn vị kinh doanh du lịch sinh thái có sử dụng dịch vụ môi trường rừng.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị kỳ vọng Nghị định sẽ sớm giải quyết được các vấn đề của thực tiễn

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị khẳng định đây là Nghị định có phạm vi áp dụng rất rộng, đối tượng liên quan đa dạng, nội dung nhiều và nhiều nội dung khó. Thứ trưởng kỳ vọng Nghị định sẽ sớm giải quyết được các vấn đề mà thực tiễn còn thiếu, chưa phù hợp trong lâm nghiệp, để lâm nghiệp đóng góp nhiều hơn trong phát triển bền vững về kinh tế xã hội và môi trường.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng cho biết, những vấn đề liên quan đến lâm nghiệp luôn được đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn. Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, nhiều câu hỏi về chế độ hỗ trợ cho lực lượng giữ rừng, bảo vệ rừng hay các chính sách đầu tư, phát triển du lịch sinh thái đã được gửi đến ông.

“Nghị định 91 ban hành kịp thời giống như một nút thắt đã được cởi, đồng thời tạo ra những tư duy mới, kích hoạt những giá trị mới từ rừng”, Bộ trưởng nói.

Qua các lần cho ý kiến cũng như phản hồi từ Bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng nhận xét, ở góc độ quản lý, đa số đều mong muốn mọi thứ phải rõ ràng. Điều ấy phần nào được thể hiện trong Nghị định mới ban hành. “Tuy nhiên, cuộc sống vốn dĩ không đóng khung cứng. Nếu chỉ cho phép những thứ trong vòng tròn, còn ngoài vòng tròn thì không, vậy còn vùng giáp biên sẽ như thế nào”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở.

Với góc nhìn như vậy, người đứng đầu Bộ NN-PTNT cho rằng, mục đích sâu xa của Nghị định 91 là ổn định, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư, lực lượng đang làm nhiệm vụ giữ rừng, bảo vệ rừng, các ban quản lý rừng. Trên cơ sở khai thác thêm những giá trị tiềm ẩn của rừng, Nghị định 91 khi áp dụng trong thực tế sẽ góp phần chăm lo nhiều hơn cho những đối tượng liên quan đến rừng.

Lãnh đạo Bộ cũng chỉ đạo Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm tăng cường “tiếp thị” văn bản quy phạm pháp luật này, thông qua hoạt động thông tin, tuyên truyền để các cấp, các ngành và người dân biết đến Nghị định 91 nhiều hơn./.