Thúc đẩy thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững

Sáng 06/8/2024, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị làm việc với Cục Lâm nghiệp về Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang bảo cho biết thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, từ năm 2021 đến nay ngành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%. Tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực lâm nghiệp đạt bình quân trên 4,6%/năm. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giai đoạn 2021-2023, đạt bình quân 15,8 tỷ USD/năm; ước thực hiện năm 2024 đạt khoảng 16 tỷ USD.

Tiếp tục thực hiện bảo vệ tốt 14,86 triệu ha diện tích rừng hiện có, đặc biệt là đối với diện tích rừng tự nhiên; đảm bảo cơ cấu 3 loại rừng hợp lý. Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, diện tích rừng bị thiệt hại đều giảm. Thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại 167 khu rừng đặc dụng. Diện tích trồng rừng tập trung bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 260.400 nghìn ha/năm, ước cả năm đạt khoảng 245.000 ha. Tổng diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến nay là 514.000 ha, đạt 103% chỉ tiêu kế hoạch. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tập trung giai đoạn 2021-2023 đạt bình quân trên 20,2 triệu m3/năm. Thu dịch vụ môi trường rừng bình quân của cả nước giai đoạn 2021-2023 đạt 3.650 tỷ đồng/năm, ước thực hiện cả năm 2024 thu được 3.200 tỷ đồng.

Về kết quả huy động, bố trí kinh phí thực hiện Chương trình, trong giai đoạn từ 2021 – 2024 đã huy động được khoảng 70.888 tỷ đồng, bình quân 17.722 tỷ đồng/năm, đạt 90% so với kế hoạch.

Cục trưởng Cục Kiểm lâm Bùi Chính Nghĩa cũng cho rằng, ngành lâm nghiệp thời gian qua đã có một bước tiến dài, thể hiện ở các chỉ tiêu đạt được trên các mặt về kinh tế, xã hội và môi trường, bảo đảm các tiêu chí về phát triển bền vững của Chương trình.

Tuy vậy, cũng còn những khó khăn, vướng mắc như công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch ở địa phương còn hạn chế, bất cập như chậm rà soát, bổ sung quy hoạch để đảm bảo tính khả thi. Tình trạng vi phạm các qui định về bảo vệ và phát triển rừng vẫn diễn ra phức tạp; việc quản lý dân di cư tự do của các địa phương còn hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm còn chưa kịp thời. Công tác trồng rừng phòng hộ, đặc dụng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc tổ chức quản lý thực hiện cùng lúc 02 Chương trình, là Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và chương trình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững, gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều lúng túng; năng lực triển khai của địa phương, đặc biệt là cấp xã còn hạn chế; nhiều chủ rừng là hộ gia đình người kinh không nghèo không được hỗ trợ bảo vệ rừng.

Về nhiệm vụ cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị, Cục Lâm nghiệp cần tiếp tục bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, có phương án, kịch bản để bảo đảm việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Đồng thời, xem xét để điều chỉnh các chỉ tiêu để phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh cần coi việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là trọng tâm, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Bên cạnh đó cũng đề nghị Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm tăng cường các hoạt động kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thực hiện chương trình ở các địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, sự thay đổi trong ngành lâm nghiệp thời gian qua là rất tốt. Tuy vậy, dẫn câu chuyện ngụ ngôn về người đào vàng, Bộ trưởng cũng đề nghị, cần cố gắng “một chút xíu nữa”. Để hướng đến xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần thay đổi cách vận hành, thay đổi cách tiếp cận. Chúng ta là những người hiểu ngành, đau đáu về sự phát triển của ngành, thì chúng ta phải là người khởi tạo chính sách, chuẩn bị thật tốt, để từ đó “tiếp thị”, thuyết phục sự quan tâm, đồng hành của các cấp lãnh đạo cũng như các chủ thể khác trong xã hội – Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò và sự tham gia của lĩnh vực khoa học công nghệ trong xây dựng và thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững nói riêng và sự phát triển của ngành lâm nghiệp nói chung. Bởi, theo Bộ trưởng, khoa học công nghệ là yếu tố dẫn dắt, khởi tạo cái mới, tạo ra sự thay đổi. Cùng đồng hành với đó, cần nâng cao năng lực cho các địa phương, để tổ chức thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao.