Ngày 09/8/2024, tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Cục Lâm nghiệp phối hợp với Cục Kiểm lâm và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các Sở/ban ngành tỉnh Bình Dương, tổ chức Hội nghị giao ban ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản Quý III năm 2024. Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT (Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Vụ Hợp tác quốc tế…); Bộ Công thương (Cục xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại), Bộ Tài chính (Tổng Cục thuế, Tổng cục Hải quan), các Sở/Ban ngành liên quan của tỉnh Bình Dương, các hiệp hội và doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.
Phó Cục trưởng Triệu Văn Lực thông tin về kết quả ngành chế biến và xuất, nhập khẩu lâm sản 7 tháng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2024
Hội nghị đã tiến hành đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất, nhập khẩu của ngành chế biến gỗ và lâm sản trong 7 tháng đầu năm 2024, xác định các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của những tháng cuối năm 2024, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của năm 2024 là 15,2 tỷ USD trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỷ USD.
Qua nghe báo cáo tổng hợp về tình hình xuất nhập khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm 2024 của Cục Lâm nghiệp trình bày, các báo cáo tham luận của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các ý kiến phát biểu và tham luận của đại biểu, hội nghị đã thống nhất kết quả đánh giá về tình hình xuất khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm 2024. Theo đó, tình hình xuất khẩu đã có tín hiệu phục hồi, đạt 9,36 tỷ USD, bằng 61,5% kế hoạch năm, tăng 20,5 % so với cùng kỳ năm 2023.
Cục trưởng Cục Kiểm lâm Bùi Chính Nghĩa phát biểu tại Hội nghị
Đồng thời cũng nhận định, những tháng cuối năm 2024, do tác động của sự cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn diễn biến phức tạp, khó lường; tình trạng gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa có chiều hướng gia tăng; cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp; giá cước vận tải biển tăng cao, việc hoàn thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp vẫn còn chậm. Vì vậy, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD năm nay sẽ còn gặp khó khăn, nếu không có quyết tâm cố gắng, nỗ lực khắc phục.
Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo phát biểu tại Hội nghị
Trên cơ sở đánh giá kết quả thuận lợi của 7 tháng đầu năm 2024, hội nghị đã chỉ ra 3 nhiệm vụ và 6 giải pháp trọng tâm cho ngành chế biến gỗ và lâm sản cần tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm 2024, gồm:
Về nhiệm vụ: Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào việc phát triển rừng trồng, chế biến gỗ và lâm sản. Thứ hai, làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức các hội chợ triển lãm, xúc tiến đầu tư để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm gỗ và lâm sản. Thứ ba, tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm bắt kịp thời những khó khăn, bất cập do cơ chế, chính sách để tháo gỡ cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Các giải pháp chính gồm: Một là, hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến cơ chế, chính sách đảm bảo gỗ hợp pháp. Hai là, thường xuyên theo dõi, tổng hợp, thu thập thông tin kịp thời về tình hình chế biến gỗ và thị trường tiêu thụ lâm sản trên thế giới và trong nước, cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến, xuất, nhập khẩu lâm sản để chủ động phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Ba là, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực để chủ động, ứng phó, giải quyết các vụ việc cạnh tranh thương mại, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêm cực do các vụ kiện gây ra. Bốn là, hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ về hoàn thuế giá trị gia tăng được nhanh chóng, kịp thời. Năm là, tiếp tục ngăn chăn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu; bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024. Nhân rộng các mô hình liên kết thành công giữa doanh nghiệp chế biến gỗ và hộ gia đình trồng rừng để vừa đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp trong nước, vừa tăng giá trị gia tăng, giảm chi phí giá thành cho sản phẩm qua đó nâng cao tính cạnh tranh cho gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam. Sáu là, tổ chức thực hiện hiệu quả các hội nghị giao ban, hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm gỗ nhằm duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu lâm sản truyền thống mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới tiềm năng như: Trung Đông, Ấn Độ, Nam Mỹ…vv, đồng thời quan tâm phát triển thị trường trong nước./.
Phòng Chế biến và Thương mại Lâm sản