Ngày 16/5/2023, Uỷ ban Châu Âu (EC) đã thông qua Luật Chống phá rừng (sau đây viết tắt là EUDR). Luật này có hiệu lực từ ngày 29/6/2023, với thời điểm áp dụng là tháng 01/2025 đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu của EU, riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ sẽ áp dụng bắt đầu từ tháng 6/2025. EUDR cấm các sản phẩm và hàng hóa gây mất rừng, suy thoái rừng và không tuân thủ pháp luật của quốc gia khai thác và xuất khẩu để nhập khẩu vào hoặc xuất khẩu từ thị trường EU. EUDR áp dụng đối với 7 ngành hàng gồm: gia súc chăn thả, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ, cũng như những sản phẩm được sản xuất, chế biến từ nguyên liệu của các hàng hóa trên như da thuộc, sô cô la, giấy in, đồ nội thất, than củi, một số dẫn xuất dầu cọ, v.v…
EUDR quy định hàng hóa nhập khẩu vào và xuất khẩu từ EU phải đáp ứng các yêu cầu, gồm: (1) Hàng hóa có nguồn gốc và sản xuất hợp pháp theo quy định của quốc gia xuất khẩu và quốc gia khai thác; (2) Hàng hóa bảo đảm Không gây mất rừng hoặc suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020 theo mức độ rủi ro đối với các lô hàng nhập khẩu với 03 mức khác nhau, gồm: mức độ cao (high risk); mức độ tiêu chuẩn (standard risk); và mức độ thấp (low risk). Sản phẩm của những công ty đến từ các nước có mức độ rủi ro thấp sẽ hưởng quy trình thẩm định đơn giản hơn, tỉ lệ kiểm tra ít hơn. Như vậy, nếu một lô hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu bị đánh giá là vi phạm quy định của EUDR thì Việt Nam (là một Quốc gia xuất xứ) có thể chịu ảnh hưởng, dẫn tới hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ chịu tác động. Các công ty vi phạm sẽ bị phạt nặng, với mức phạt lên tới 4% doanh thu thường niên tại 1 nước thành viên EU.
Chi tiết quy định của EUDR (bản tiếng Anh) tại file đính kèm:
Bản tiếng Việt (bản dịch không chính thức) tại file đính kèm: