Cục Lâm nghiệp vừa có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; Vùng Đồng bằng Sông Hồng hướng dẫn khắc phục rừng bị thiệt hại do thiên tai gây ra.
Rừng thông gãy đổ sau bão tại tỉnh Quảng Ninh, ảnh: Báo NNVN
Theo đó, do ảnh hưởng của cơm bão số 3 (Bão Yagi), đã gây thiệt hại nặng nề tại một số tỉnh thuộc Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; Vùng Đồng bằng Sông Hồng, trong đó, sản xuất lâm nghiệp cũng chịu những thiệt hại đáng kể, nhiều diện tích rừng bị gẫy đổ, một số nơi bị sạt lở mất rừng.
Nhằm khắc phục và giảm thiểu những thiệt hại đối với diện tích rừng do thiên tai gây ra, tại Văn bản số 1339/LN-PTR ngày 10/9/2024 Cục Lâm nghiệp đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; Vùng Đồng bằng Sông Hồng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện ngay một số nội dung sau:
Thứ nhất là: Thống kê tình hình rừng bị thiệt hại
Ngay sau khi kết thúc đợt thiên tai, khi điều kiện bảo đảm an toàn tổ chức thống kê, phân loại diện tích, mức độ rừng bị thiệt hại theo quy định tại Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra để thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 02/2017/CP ngày 09/01/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Thứ hai là: Xử lý, khai thác rừng bị thiệt hại
a) Đối với rừng trồng
– Đối với rừng trồng thuộc sở hữu của chủ rừng do chủ rừng quyết định việc khai thác, tận dụng, tận thu, sau khi khai thác, chủ rừng có trách nhiệm trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp khi có thời tiết thuận lợi.
– Đối với gỗ rừng sản xuất là rừng trồng do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, rừng phòng hộ là rừng trồng: tổ chức đánh giá mức độ thiệt hại, ước tính giá trị lâm sản tận thu; phương thức, điều kiện khai thác, tận thu, cụ thể:
+ Đối với diện tích rừng bị thiệt hại nặng, cây rừng bị đổ gẫy hoàn toàn hoặc số cây còn lại không đảm bảo tiêu chí thành rừng (tỷ lệ đổ, gẫy trên 70%), thì khai thác, tận thu toàn bộ số cây. Sau khi khai thác, tận thu chủ rừng có trách nhiệm trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp khi có thời tiết thuận lợi.
+ Đối với diện tích rừng bị thiệt hại nhẹ, số cây còn lại đủ tiêu chí thành rừng thì chỉ tận thu những cây bị đổ, gẫy.
– Thủ tục khai thác, tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng bị thiệt hại do bão thực hiện theo quy định tại Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 về việc quy định quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản và Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực Lâm nghiệp.
– Hướng dẫn khai thác, tận dụng, tận thu ngay sau khi có điều kiện thời tiết thuận lợi; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở thu mua, cơ sở chế biến trên địa bàn để thu mua hết lượng lâm sản khai thác, tận thu.
b) Đối với rừng tự nhiên (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất):
– Tiến hành vệ sinh rừng; thu gom, xử lý vật liệu cháy, sửa chữa các đường băng cản lửa giảm nguy cơ cháy rừng.
– Áp dụng các biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung để phục hồi rừng, nâng cao chất lượng rừng.
Thứ ba là: Phục hồi, trồng lại rừng sau thiên tai
a) Khắc phục vườn ươm và chuẩn bị cây giống
– Các địa phương rà soát lại các nguồn giống, khả năng cung ứng cây giống và nhu cầu sử dụng để lập phương án sản xuất, hỗ trợ cây giống trồng lại rừng.
– Khẩn trương khắc phục, sửa chữa, tiêu độc khử trùng các vườn ươm để đưa vào sản xuất.
– Thực hiện các biện pháp kỹ thuật khơi rãnh thoát nước, phun thuốc phòng chống nấm bệnh ảnh hưởng đến số lượng cây con hiện còn; đồng thời, triển khai ngay công tác sản xuất cây giống có hiệu quả, chất lượng, đảm bảo cung cấp đủ cây giống cho công tác trồng, chăm sóc rừng bị thiệt hại.
b) Chọn loài cây, phục hồi, trồng lại rừng
– Tổ chức thực hiện Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, trong đó ưu tiên rà soát và phân định danh giới 3 loại rừng trên thực địa, đưa những khu vực có độ dốc cao, nguy cơ sạt lở vào quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện các biện pháp trồng rừng.
– Lựu chọn loài cây trồng, các biện pháp kỹ thuật lâm sinh phục hồi rừng, trồng lại rừng cho từng loại rừng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11 /2018 và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 17/2022/TT-BNNPTNT ngày 27/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các biện pháp lâm sinh. Ưu tiên trồng cây bản địa, cây bản địa cây đa tác dụng; cây có tán lá rậm, thường xanh, hệ rễ phát triển; cây sống lâu năm; cây có khả năng chống chịu gió bão, sâu bệnh; cây sinh trưởng, phát triển tốt, có khả năng thích nghi với môi trường và các điều kiện lập địa khắc nghiệt. Ưu tiên trồng rừng hỗn loài, đa tầng tán.
Thứ tư là: Về nguồn vốn hỗ trợ khắc phục thiệt hại
– Đối với những diện tích rừng bị thiệt hại thuộc vùng được chi trả dịch vụ môi trường rừng thì sử dụng trong 5% kinh phí theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 70 Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp để hỗ trợ.
– Đối với các diện tích rừng bị thiệt hại khác thì sử dụng nguồn kinh phí theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 02/2017/CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ để hỗ trợ.