Cục Lâm nghiệp, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam và Tổ chức Forest Trends đang thực hiện hỗ trợ thí điểm việc đáp ứng EUDR với 6 Doanh nghiệp ngành gỗ. Các DN được lựa chọn đại diện cho vùng miền, đại diện cho nhóm các mặt hàng chủ lực được VN xuất khẩu sang EU. Toàn bộ nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào của các DN này là gỗ rừng trồng trong nước (keo) và gỗ cao su (trong nước). Đồng thời, Hiệp hội Cao su và Tổ chức Forest Trends đang hỗ trợ thí điểm EUDR đối với 2 doanh nghiệp ngành cao su, tập trung vào nguồn cung cao su thiên nhiên đầu vào. 2 luồng cung cao su được lựa chọn, bao gồm nguồn cung từ đại điền và từ tiểu điền.
Vào tháng 8 năm 2024, Hiệp hội Gỗ đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện EUDR, có nhiệm vụ của Tổ công tác là sẽ cùng với các tư vấn hỗ trợ quá trình thí điểm tại các DN gỗ thực hiện các hoạt động thí điểm cho các DN. Tổ cũng có nhiệm vụ tổng kết các bài học kinh nghiệm, phương pháp, bước thực hiện, vv..… từ quá trình thí điểm, tài liệu hóa và sẽ chia sẻ với các DN trong ngành, tập trung vào các DN hiện đang xuất khẩu sản phẩm đi EU trong thời gian tới. Cơ chế tương tự được kỳ vọng sẽ được thực hiện đối với ngành cao su trong thời gian tới.
Trong thông báo kết luận tại cuộc họp ngày 28/8/2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT giao Cục Trồng trọt ban hành quy trình hướng dẫn việc thích ứng EUDR cho các DN ngành cà phê và ngành cao su (mủ), Cục Lâm nghiệp phụ trách về quy trình cho ngành gỗ (bao gồm cả gỗ cao su). Nhóm Công tác của Hiệp hội Gỗ và Hiệp hội Cao su, cùng với các tư vấn và Tổ chức Forest Trends sẽ đồng hành cùng với Cục Lâm nghiệp và Cục Trồng trọt được giao nhiệm vụ để thực hiện việc phát triển quy trình. Các bài học kinh nghiệm từ quá trình thí điểm các DN gỗ và cao su được kỳ vọng là nguồn thông tin đầu vào quan trọng cho việc xây dựng quy trình.
Kết quả của thí điểm sẽ xây dựng được tài liệu hướng dẫn tạm thời cho các doanh nghiệp gỗ và cao su thực hiện EUDR.