CHUYỂN ĐỔI SỐ: “CÚ HUÝCH” CHO NGÀNH LÂM NGHIỆP VIỆT NAM VƯƠN MÌNH

Trong bối cảnh kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số không còn là một lựa chọn mà trở thành xu thế tất yếu, quyết định sự phát triển của mọi ngành nghề, lĩnh vực. Không nằm ngoài xu hướng đó, ngành lâm nghiệp Việt Nam, với vai trò quan trọng trong nền kinh tế, xã hội và môi trường, đang đứng trước cơ hội vàng để “thay da đổi thịt” nhờ vào sức mạnh của công nghệ. Với tổng diện tích rừng đạt hơn 14,7 triệu ha, độ che phủ rừng gần 42% (theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp năm 2023), ngành lâm nghiệp không chỉ là “lá phổi xanh” của đất nước mà còn là sinh kế của hàng triệu người dân. Ước tính có khoảng 25 triệu người sống phụ thuộc vào rừng và các hoạt động liên quan. Không chỉ vậy, giá trị xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản năm 2023 đã đạt khoảng 15 tỷ USD, cho thấy tiềm năng kinh tế to lớn của ngành. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hết do những hạn chế trong công tác quản lý, khai thác và chế biến. Theo Quyết định 523/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu hiện đại hóa và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành lâm nghiệp. Chiến lược này đưa ra cách tiếp cận tổng hợp trong toàn bộ chuỗi giá trị – từ phát triển, bảo tồn và sử dụng rừng đến chế biến và thương mại hóa các sản phẩm lâm nghiệp. Mục tiêu cuối cùng là tăng giá trị rừng, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy phát triển lâm nghiệp bền vững. Hai lĩnh vực trọng tâm ứng dụng công nghệ thông tin là quản lý rừng và chế biến lâm sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành các chiến lược cụ thể về chuyển đổi số trong ngành, trong đó có lĩnh vực lâm nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất và kinh doanh, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại và bền vững. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ là “cú huých” giúp ngành lâm nghiệp Việt Nam vươn mình, phát triển bền vững hơn.

Bài toán cũ, lời giải mới

Lâm nghiệp Việt Nam, với tiềm năng to lớn, vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Phương thức quản lý rừng truyền thống, lạc hậu dựa trên giấy tờ và thiếu sự đồng bộ, khiến cho việc giám sát tài nguyên trở nên khó khăn. Tình trạng khai thác gỗ trái phép, phá rừng diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin thị trường yếu kém, công nghệ chế biến lạc hậu đã hạn chế năng lực cạnh tranh của ngành. Thế nhưng, thách thức luôn đi kèm với cơ hội. Chuyển đổi số được xem là lời giải cho bài toán khó này, mở ra những cơ hội mới cho ngành lâm nghiệp Việt Nam.

“Số hóa” từng bước đi

Chuyển đổi số trong lâm nghiệp không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin, mà còn là sự thay đổi tư duy, cách thức quản lý, vận hành của toàn ngành. Đó là việc đưa công nghệ số vào từng khâu, từ quản lý tài nguyên, giám sát rừng đến chế biến, thương mại và đào tạo nhân lực.

  • Quản lý, giám sát tài nguyên rừng: toàn bộ diện tích rừng trên cả nước đã được “số hóa” nhờ hệ thống theo dõi diễn biến rừng (FRMS) cho phép cập nhật các diễn biến rừng chính xác và kịp thời. Nhờ đó, các vụ khai thác gỗ trái phép, lấn chiếm đất rừng được kiểm soát chặt chẽ hơn, góp phần bảo vệ rừng một cách hiệu quả. Ngoài ra số liệu từ hệ thống FRMS cũng cung cấp thông tin chính xác cho việc lập các kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng từ cấp trung ương tới địa phương.
  • Chuỗi cung ứng minh bạch: Công nghệ số đã xóa bỏ những “vùng xám” trong chuỗi cung ứng sản phẩm lâm nghiệp. Hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng mã vạch, QR code giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp chế biến gỗ đã bắt đầu ứng dụng công nghệ này để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm, tăng cường uy tín trên thị trường. Phần mềm quản lý kho, logistics giúp tối ưu hóa quy trình vận chuyển, lưu trữ. Công nghệ truy xuất nguồn gốc có thể đảm bảo sự minh bạch và tin cậy tuyệt đối trong chuỗi cung ứng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và đối tác.
  • Thương mại điện tử – “cú hích” cho đầu ra: Những sản phẩm lâm nghiệp giờ đây không còn bó hẹp trong các thị trường truyền thống. Sàn giao dịch điện tử là cầu nối trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng, xóa bỏ các khâu trung gian, giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Các doanh nghiệp chế biến gỗ, các hợp tác xã trồng rừng giờ đây dễ dàng quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước thông qua các nền tảng trực tuyến, mở ra cơ hội phát triển thị trường. Nhiều hộ gia đình trồng rừng đã bắt đầu tiếp cận với các sàn thương mại điện tử để bán các sản phẩm lâm sản phụ, tăng thêm thu nhập.
  • Nghiên cứu và phát triển: Công nghệ sinh học đang mở ra những triển vọng mới trong việc chọn tạo ra các giống cây trồng có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt. Các viện nghiên cứu lâm nghiệp đã ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra các giống keo, bạch đàn có khả năng sinh trưởng nhanh, phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam. Các phần mềm dự báo thời tiết, sâu bệnh giúp các nhà lâm nghiệp đưa ra các biện pháp phòng trừ kịp thời, giảm thiểu thiệt hại.

Những “điểm sáng” chuyển đổi số

Những nỗ lực chuyển đổi số trong ngành lâm nghiệp Việt Nam đã bắt đầu gặt hái những “quả ngọt”. Tổng cục Lâm nghiệp đã xây dựng thành công cơ sở dữ liệu rừng quốc gia, số hóa bản đồ rừng, tạo nền tảng vững chắc cho việc quản lý tài nguyên. Đáng chú ý, dự án FORMIS (Hệ thống quản lý thông tin ngành lâm nghiệp) đã được triển khai, giúp chuẩn hóa quy trình quản lý, lưu trữ và cập nhật thông tin tài nguyên rừng. Kết quả của dự án là Phần mềm theo dõi diễn biến rừng được ứng tại tất cả các tỉnh trong cả nước, cho phép các cơ quan quản lý theo dõi sát sao diễn biến rừng để kịp thời đưa ra các quyết định dựa trên số liệu

Phần mềm ITWood do Viện khoa học Lâm nghiệp xây dựng cũng đã được đưa vào sử dụng, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc quản lý, truy xuất nguồn gốc gỗ, đảm bảo tính hợp pháp của sản phẩm. Cùng với đó, hệ thống cơ sở dữ liệu vi phạm lâm luật (CSDL vi phạm lâm luật) đã được xây dựng và thí điểm áp dụng tại Cục Kiểm Lâm, giúp các cơ quan chức năng nắm bắt kịp thời thông tin về các vụ vi phạm, tăng cường hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Trong lĩnh vực chi trả dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng Việt Nam đã ứng dụng nhiều phần mềm trong các hoạt động về quản lý bản đồ chi trả, quản lý số liệu chi trả, theo dõi và quản lý hệ thống giám sát các chỉ số chi trả dịch vụ môi trường rừng trên cả nước. Qua đó nâng cao tính minh bạch, đảm bảo việc chi trả dịch vụ môi trường rừng kịp thời, đúng đối tượng.

Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ lớn đã bắt đầu ứng dụng hệ thống quản lý doanh nghiệp toàn diện (ERP), giúp tối ưu hóa các quy trình sản xuất, quản lý kho, tài chính, và chuỗi cung ứng.

Việc ứng dụng ảnh viễn thám để theo dõi diễn biến rừng cũng ngày càng trở nên phổ biến, giúp giảm thiểu chi phí và thời gian giám sát so với các phương pháp truyền thống. Tại các tỉnh như Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận và Vĩnh Phúc, việc ứng dụng ảnh phần mềm quản lý rừng thông tinh, ảnh vệ tinh, flycam, phần mềm tuần tra trên mobile đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp phát hiện sớm các vụ vi phạm và có những biện pháp xử lý kịp thời, đồng thời theo dõi được các hoạt động lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các dự án lâm nghiệp có vốn ODA cũng đang tích cực ứng dụng GIS, công nghệ viễn thám để giám sát và quản lý rừng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Vẫn còn những thách thức

Mặc dù đã có những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng quá trình chuyển đổi số trong ngành lâm nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Chi phí đầu tư vào công nghệ số không nhỏ, trình độ công nghệ của một bộ phận cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế. Thêm vào đó, sự thay đổi thói quen, tư duy cũng là một thách thức không nhỏ. Nhiều người dân vẫn quen với cách làm truyền thống, chưa thực sự hiểu rõ về lợi ích của công nghệ, dẫn đến việc ứng dụng chuyển đổi số trên diện rộng còn chậm. 

Đáng chú ý, quá trình chuyển đổi số hiện nay vẫn còn rời rạc, thiếu một kiến trúc tổng thể và sự đầu tư đồng bộ, dẫn đến hiệu quả chuyển đổi số chưa cao. Các ứng dụng công nghệ số thường được triển khai cục bộ, thiếu sự kết nối và tích hợp, gây khó khăn cho việc khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ. Việc chuyển đổi số từng phần, không đồng bộ đôi khi dẫn đến các quy trình bị ngắt quãng, ví dụ, dù một số khâu đã được số hóa, nhưng việc xử lý văn bản vẫn phải in ra, đóng dấu đỏ thay vì ký số, gây chậm trễ trong luồng công việc, làm giảm hiệu quả của quá trình số hóa. Ngoài ra, việc chuyển đổi số cần phải được gắn chặt với các quy chế, quy trình để tham gia vào quá trình ra quyết định, đảm bảo rằng các quyết định được đưa ra dựa trên dữ liệu chính xác và kịp thời. Sự thiếu đồng bộ giữa công nghệ và quy trình quản lý cũng là một rào cản lớn cho quá trình chuyển đổi số.

Cần một cú hích mạnh mẽ hơn

Để chuyển đổi số thực sự trở thành động lực phát triển cho ngành lâm nghiệp, cần một sự chung tay của cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận với công nghệ số, đồng thời đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cần có những chính sách khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới phù hợp với đặc thù của ngành lâm nghiệp. Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt xu thế, mạnh dạn đầu tư vào công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Và người dân cần thay đổi tư duy, tiếp thu kiến thức mới, chủ động ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Cần tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của chuyển đổi số và chủ động tham gia vào quá trình này.

Hướng tới tương lai

Chuyển đổi số không phải là một đích đến mà là một hành trình liên tục. Với những nỗ lực không ngừng, ngành lâm nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn mình, trở thành một ngành kinh tế hiện đại, phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước. Chuyển đổi số một cách toàn diện sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam tham gia tốt hơn vào thị trường carbon lâm nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, giúp tăng thêm nguồn thu cho ngành lâm nghiệp thông qua việc bán tín chỉ carbon. Điều này không chỉ góp phần vào mục tiêu phát triển xanh mà còn khẳng định vai trò của Việt Nam trong nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ số để đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp sẽ giúp Việt Nam tuân thủ các quy định khắt khe về sản phẩm gỗ trong các thỏa thuận thương mại với các thị trường quốc tế, mở rộng cơ hội xuất khẩu và nâng cao vị thế của ngành lâm nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

V.A