Xúc tiến đầu tư rừng trồng sản xuất gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững giữa chủ rừng với doanh nghiệp chế biến gỗ vùng Bắc Trung Bộ

Ngày 28/10/2024, tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, Cục Lâm nghiệp đã chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức Hội nghị “Xúc tiến đầu tư rừng trồng sản xuất gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững giữa chủ rừng với doanh nghiệp chế biến gỗ rừng trồng sản xuất tại vùng Bắc Trung Bộ.

Toàn cảnh Hội nghị

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, ông Nguyễn Danh Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An và ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đồng chủ trì.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo đề dẫn của Cục Lâm nghiệp về thực trạng hợp tác, liên kết đầu tư phát triển trồng rừng sản xuất gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững gắn với chế biến gỗ và thị trường lâm sản tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, báo cáo tham luận của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vùng Bắc Trung Bộ, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng thuộc Viện KHLN VN, Công ty Biomass fuel Việt Nam và đại diện FSC tại Việt Nam.

Hội nghị đã thảo luận đánh giá về thực trạng, những nguyên nhân tồn tại và hạn chế trong thời gian qua, đồng thời đề xuất những định hướng và giải pháp phát triển trồng rừng sản xuất gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững gắn với chế biến và tiêu thụ, đảm bảo phù hợp với quy định của EUDR về chống mất rừng và suy thoái rừng.

Mặc dù thời gian qua, các doanh nghiệp và chủ rừng đã đẩy mạnh hợp tác, liên kết đầu tư trồng rừng sản xuất gỗ lớn, rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, tuy nhiên, kết quả tại vùng Bắc Trung Bộ còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của vùng. Theo thống kê, diện tích rừng trồng rừng sản xuất gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững từ hợp tác, liên kết đầu tư giữa doanh nghiệp và chủ rừng mới chỉ chiếm hơn 3,5% diện tích rừng trồng của cả vùng. Có 13 mô hình liên kết, đầu tư trong sản xuất lâm nghiệp của vùng trên tổng số 202 mô hình, hợp tác xã liên kết đầu tư trong sản xuất lâm nghiệp.

Diện tích rừng trồng rừng sản xuất gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững từ hợp tác, liên kết đầu tư giữa doanh nghiệp và chủ rừng mới chỉ chiếm hơn 3,5% diện tích rừng trồng của cả vùng Bắc Trung bộ

Nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế này là do chu kỳ kinh doanh rừng trồng gỗ lớn phải kéo dài thời gian (từ 7- trên 10 năm), dễ gặp rủi ro bởi thiên tai, bão lũ, trong khi chưa có chính sách bảo hiểm đối với rừng trồng. Giá bán gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững có những thời điểm chênh lệch không nhiều so với gỗ không có chứng chỉ, trong khi làm chứng chỉ quản lý rừng bền vững phải mất thêm phí, nên chưa thu hút được đông đảo người dân, doanh nghiệp tham gia. Công tác quy hoạch, hạn điền về đất đai, diện tích đất của các hộ nhỏ lẻ, manh mún, đường xá đi lại khó khăn, đầu tư cho hệ thống đường lâm nghiệp còn rất hạn chế, nên chi phí khai thác, vận chuyển gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ còn cao, làm giảm thu nhập của người trồng rừng. Bên cạnh đó cũng chưa xây dựng được nhiều mô hình, tạo phong trào thu hút chủ rừng và doanh nghiệp liên kết đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị, từ trồng rừng đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, tuy vậy mức hỗ trợ đầu tư theo chính sách còn thấp, nguồn kinh phí cấp không kịp thời; chính sách tín dụng còn nhiều hạn chế, bất cập, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, nên chưa khuyến khích được doanh nghiệp và người dân tham gia.

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Để thúc đẩy hoạt động trồng rừng gỗ lớn, thực hiện chứng chỉ rừng và liên kết giữa các doanh nghiệp, người trồng rừng, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp đề nghị các đơn vị cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp về tính hiệu quả và bền vững trong hợp tác, liên kết đầu tư sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hiện có, đồng thời rà soát, đề xuất chỉnh sửa, bổ sung kịp thời những bất cập, hạn chế của chính sách. Nghiên cứu xây dựng thí điểm chính sách bảo hiểm đối với rừng trồng sản xuất gỗ lớn. Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.

Phó Cục trưởng Triệu Văn Lực cũng cho rằng, với sự quyết tâm và nỗ lực của tất cả các bên liên quan, từ người dân, doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp thì diện tích rừng trồng, rừng sản xuất gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững từ hợp tác, liên kết đầu tư giữa doanh nghiệp và chủ rừng sẽ ngày càng tăng lên./.