Sáng 04/11/2024, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Cục Lâm nghiệp tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Thông tư quy định về định mức kinh tế kỹ thuật lập hồ sơ phân định ranh giới rừng và cắm mốc, bảng phân định ranh giới rừng. Ông Phạm Hồng Lượng, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và ông Vũ Duy Văn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đồng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo thu hút sự tham gia của khoảng 50 đại biểu đến từ các Cục, Vụ, Trường Đại học, Viện nghiên cứu thuộc Bộ, đại biểu Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm, BQL rừng phòng hộ, đặc dụng, VQG, Khu BTTN một số tỉnh đại diện cho các vùng, miền trên cả nước, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), Trung tâm Phát triên Nông thôn miền Trung (CRD).
Trong những năm qua, bên cạnh nỗ lực trồng và khôi phục diện tích rừng, góp phần bảo vệ môi trường đạt được nhiều kết quả tích cực, ở nhiều địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng chặt phá rừng trái phép, lấn chiếm, tranh chấp đất rừng làm đất sản xuất có nhiều diễn biến phức tạp, dẫn đến suy giảm tài nguyên rừng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, lấn chiếm, chặt phá rừng trái phép là do nhiều diện tích rừng chưa được xác định rõ ranh giới trên bản đồ và thực địa, chưa được cắm mốc, bảng phân định ranh giới rừng.
Với mục tiêu làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng, để lâm nghiệp đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Quyết định số 2858/QĐ-BNN-PC 16/8/2024 bổ sung kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 của Bộ, trong đó giao Cục Lâm nghiệp chủ trì xây dựng Thông tư quy định về định mức kinh tế – kỹ thuật lập hồ sơ phân định ranh giới rừng và cắm mốc, bảng phân định ranh giới rừng.
Trong bối cảnh đó, Hội thảo được tổ chức để xin ý kiến đóng góp của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các chuyên gia và các chủ rừng. Đây là các đối tượng trực tiếp thực hiện công tác phân định ranh giới rừng ở cơ sở, làm cơ sở hoàn hiện hồ sơ dự thảo Thông tư, trình Bộ trưởng ban hành trong năm 2024. Thông tư này được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật ngành lâm nghiệp, giúp các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện lập hồ sơ phân định ranh giới rừng và cắm mốc, bảng phân định ranh giới rừng hiệu quả, phù hợp và thống nhất, giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn./.
PHÒNG TỔ CHỨC SẢN XUẤT LÂM NGHIỆP