Tầm quan trọng của chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa khắp thế giới, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, nơi gánh vác nhiều nhiệm vụ phức tạp như bảo vệ tài nguyên rừng, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số là một yêu cầu cấp thiết.
Hiện nay, nhiều cơ quan vẫn sử dụng phương pháp quản lý truyền thống với hệ thống giấy tờ còn phụ thuộc vào lao động thủ công. Việc chuyển đổi số không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện đại mà còn giúp tối ưu hóa quá trình quản lý, tiết kiệm nguồn lực, và tăng cường hiệu quả bảo vệ rừng.
Nắm bắt xu hướng
Hiện nay, cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, việc tổ chức hội nghị, hội thảo trực tuyến, sử dụng các tiện ích, ứng dụng, phần mềm dùng chung nội bộ, ngoài đơn vị là rất cần thiết. Trong thời gian vừa qua, những giải pháp chuyển đổi số tiêu biểu trong lĩnh vực văn phòng tại Cục Lâm nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu tăng năng suất lao động, cung cấp dịch vụ hành chính văn phòng không giấy mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị đã tạo sự thuận tiện cho cán bộ, công chức, người lao động và hướng tới minh bạch trong công tác quản lý.
Cụ thể, đến thời điểm hiện tại 100% cán bộ, chức chức, người lao động đã sử dụng hệ thống văn phòng điện tử, 90% tỷ lệ văn bản được ký số, 80% văn bản được phát hành qua trục liên thông nội bộ tới các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn,…
Cũng trong năm 2024, đã có rất nhiều cuộc họp trực tuyến giảm đáng kể số lần các đơn vị phải trực tiếp tập trung hội họp tại các địa phương, giảm chi phí đi lại, lưu trú,… Ứng dụng họp trực tuyến Zoom Meeting kết nối đa điểm với các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, mã hoá bảo mật được sử dụng thường xuyên, nhất là từ khi có dịch bệnh COVID-19, có cuộc họp có thể kết nối hàng trăm điểm cầu cùng tham dự.
Văn phòng Cục Lâm nghiệp đã tổ chức triển khai hồ sơ công việc điện tử và lưu trữ điện tử trên Văn phòng điện tử đáp ứng các yêu cầu Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư với kết quả cho đến nay có 100% văn bản đến, văn bản đi được xử lý trên phần mềm Văn phòng điện tử (trừ các văn bản mật theo quy định); 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng áp dụng đối với tất cả các quy trình xử lý, trình ký, phê duyệt và phát hành văn bản.
Hằng năm, Văn phòng Cục Lâm nghiệp đều chú trọng, quan tâm đầu tư, dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin nhằm duy trì hoạt động hiệu quả các hệ thống phần mềm ứng dụng. Đến nay, hệ thống máy chủ được thiết kế và đầu tư đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, hoạt động 24/7. Tăng cường cập nhật các phần mềm mới, hỗ trợ công việc như Chatbot AI, phần mềm thiết kế trình chiếu CANVA,… tăng hiệu suất công việc và cải thiện kỹ năng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức tại Cục.
Trong công tác Bí mật nhà nước, Văn phòng Cục Lâm nghiệp thường xuyên chủ động rà soát các văn bản mật, tài liệu mật, dấu mật, máy tính soạn thảo Bí mật nhà nước. Văn phòng Cục cũng đã phối hợp với Bộ Công an tập huấn cho các cán bộ phụ trách bí mật nhà nước về các vấn đề mới nhằm đào tạo cho các công chức có thể chủ động hơn trong việc bảo vệ bí mật nhà nước trước sự tấn công từ virus, các cá nhân, tổ chức khác,…
Cơ hội và thách thức
- Cơ hội
– Tăng cường hiệu quả quản lý: Chuyển đổi số giúp hiện đại hóa quy trình làm việc, tiết kiệm thời gian và nguồn lực trong các hoạt động như văn thư, lưu trữ, và quản lý tài chính.
– Nâng cao khả năng ra quyết định: Các công cụ phân tích dữ liệu và hệ thống thông minh giúp cung cấp thông tin kịp thời và chính xác để hỗ trợ lãnh đạo trong việc đưa ra các quyết định chiến lược.
– Đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa: Việc triển khai công nghệ mới như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), và hệ thống quản lý tài liệu số hóa đáp ứng các yêu cầu cải cách hành chính và phát triển bền vững.
– Tăng tính minh bạch: Chuyển đổi số giúp minh bạch hóa quy trình làm việc, giảm thiểu sai sót và tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan.
- Thách thức
– Chi phí đầu tư ban đầu cao: Hệ thống công nghệ, phần mềm và hạ tầng kỹ thuật cần được đầu tư bài bản, gây áp lực lên nguồn ngân sách.
– Bảo mật thông tin: Việc lưu trữ và quản lý dữ liệu số hóa đối mặt với nguy cơ bị tấn công mạng, đòi hỏi hệ thống bảo mật mạnh mẽ.
Giải pháp chuyển đổi số tương lai
* Hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin
– Đầu tư nâng cấp các thiết bị, phần mềm và hệ thống mạng phục vụ chuyển đổi số.
– Triển khai các nền tảng điện toán đám mây, hệ thống quản lý tài liệu số và các công cụ tự động hóa quy trình hành chính.
* Số hóa dữ liệu và quy trình quản lý
– Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung và thống nhất cho việc lưu trữ, truy xuất và quản lý tài liệu văn phòng.
– Ứng dụng AI (Trí tuệ nhân tạo) để hỗ trợ phân tích dữ liệu, cải thiện năng suất công việc.
* Đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức
– Tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và quản lý dữ liệu số.
– Khuyến khích tư duy đổi mới, thích nghi với các phương pháp làm việc hiện đại.
* Đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin
– Xây dựng hệ thống bảo mật mạnh mẽ, ứng dụng các công nghệ mã hóa và tường lửa để bảo vệ dữ liệu.
– Thường xuyên kiểm tra, đánh giá và nâng cấp hệ thống bảo mật thông tin.
Hướng đi cho tương lai
Chuyển đổi số trong lĩnh vực Văn phòng Cục Lâm nghiệp là một bước đi tất yếu để đáp ứng nhu cầu quản lý hiện đại và phát triển bền vững. Sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực có tầm nhìn sẽ giúp Cục Lâm nghiệp trở thành đơn vị dẫn đầu trong chuyển đổi số của ngành Lâm nghiệp Việt Nam.
A.Đ