Chỉ thị về tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Ất Tỵ, tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng năm 2025

Ngày 26/12/2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã ký Chỉ thị về tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Ất Tỵ, tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng năm 2025.

Chỉ thị số 9892 /CT-BNN-LN nêu rõ, năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, Đề án trồng 1 tỷ cây xanh và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Nhằm phát huy kết quả đã đạt được trong những năm qua, khắc phục khó khăn, tồn tại, hạn chế, chủ động tích cực chuẩn bị tổ chức tốt phong trào“Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Ất Tỵ gắn với thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và trồng cây, trồng rừng ngay từ đầu năm 2025; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt một số nội dung:

  1. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
  2. Tổ chức “Tết trồng cây” thiết thực, hiệu quả, động viên các cấp, các ngành và huy động nguồn lực từ xã hội hóa, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu trồng cây xanh theo kế hoạch của địa phương trong thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025. Thời điểm tổ chức phát động“Tết trồng cây” đối với các tỉnh phía Bắc tiến hành vào đầu xuân năm mới, đối với các tỉnh phía Nam tiến hành vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (ngày 19 tháng 5) hoặc các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn, phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng địa phương ở từng thời điểm, địa điểm cụ thể. Quan tâm trồng cây xanh trong rừng phòng hộ, trồng mới rừng sản xuất, trồng cây xanh phân tán ở cả khu vực đô thị và nông thôn, tạo môi trường cảnh quan, góp phần xây dựng nông thôn mới xanh, sạch, đẹp. Sau khi thực hiện“Tết trồng cây”, các địa phương tổ chức kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt; báo cáo kế hoạch tổ chức và kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
  3. Xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp năm 2025 theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đổi mới, tổ chức lại sản xuất và nhân rộng các mô hình có hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ lâm sản, chia sẻ lợi ích trong chuỗi sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp; Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất lâm nghiệp theo hướng phát triển nông lâm nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, đa dạng hóa các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp. Chú trọng khâu chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp, cây bản địa, thâm canh rừng phù hợp với hệ sinh thái để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rừng sản xuất và chế biến lâm sản, phát triển du lịch sinh thái; chế biến, xuất khẩu lâm sản đáp ứng theo tiêu yêu cầu, chuẩn quốc tế; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; đẩy mạnh triển khai dịch vụ hấp thụ, lưu giữ cácbon và phát triển thị trường tín chỉ cácbon rừng.
  4. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Chỉ đạo UBND các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc về phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; rà soát, bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy rừng sát với thực tế; bố trí lực lượng, phương tiện, hậu cần sẵn sàng để xử lý tình huống cháy rừng xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ. Thường xuyên theo dõi thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng do Cục Kiểm lâm cung cấp trên trang website kiemlam.org.vn và thông tin dự báo thời tiết, nguy cơ nắng nóng, nguy cơ cháy rừng trên các bản tin của Đài Truyền hình Việt Nam. Gìn giữ, duy trì và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa lịch sử và môi trường trong hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ; nhất là bảo vệ, bảo tồn các loài động thực vật nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng. Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 08/3/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và các quy định của pháp luật về Lâm nghiệp.
  5. Kiểm tra, chỉ đạo việc cập nhật theo dõi diễn biến rừng kịp thời, sát thực tế; bố trí nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ điều tra rừng theo kế hoạch. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng hiệu quả, duy trì chế độ thường trực công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, trong năm qua, thực hiện các chính sách, pháp luật về Lâm nghiệp các bộ, ngành, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và nhân dân cả nước đã hưởng ứng, tham gia tích cực phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng và tổ chức sản xuất lâm nghiệp đạt được nhiều kết quả quan trọng, thiết thực trên các mặt kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát huy vai trò đa dụng của rừng, cải thiện môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong năm 2024, cả nước đã trồng được 245 nghìn ha rừng trồng tập trung và 130 triệu cây xanh phân tán; đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến với sản lượng gần 23 triệu m3 gỗ; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%. Công tác bảo vệ rừng có chuyển biến tích cực, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, cháy rừng giảm đáng kể cả về số vụ và diện tích rừng bị thiệt hại.