Ngày 07/11/2023, Cục Lâm nghiệp đã tổ chức Hội nghị góp ý về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số thông tư về lâm nghiệp. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của các đại biểu là đại diện một số đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh thành phố.
Theo kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023, Cục Lâm nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung 11 Thông tư về lĩnh vực lâm nghiệp để phù hợp với quy định của Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó có quy định về việc thành lập Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm trên cơ sở của Tổng cục Lâm nghiệp. Đồng thời, Thông tư được sửa đổi lần này cũng kỳ vọng sẽ tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn trong quá trình thực hiện.
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Thông tư về Lâm nghiệp có 12 điều khoản liên quan đến sửa đổi các Thông tư, và 01 điều khoản thi hành. Trong đó, trọng tâm là việc sửa đổi Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (Thông tư 25) và Thông tư số 22/2021/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2021 quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống cây trồng lâm nghiệp (Thông tư 22).
Theo anh Nguyễn Văn Diễn, Phòng Kế hoạch Tài chính, Cục Lâm nghiệp, trong quá trình thực hiện Thông tư 25 đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc, như quỹ đất trống quy hoạch cho rừng đặc dụng, phòng hộ nhỏ lẻ, manh mún, ở nơi xa xôi, khó khăn,… gây khó khăn cho việc thiết kế, tổ chức trồng rừng, phát sinh chi phí lớn. Việc xác định đơn giá theo thiết kế, dự toán cho các dự án mất nhiều thời gian trong khi các chủ dự án cần hoàn thành nghĩa vụ trồng rừng thay thế và bảo đảm tiến độ thực hiện công trình. Bên cạnh đó thì thủ tục thanh quyết toán kinh phí, kiểm soát chi trồng rừng thay thế theo quy định hiện hành cũng không còn phù hợp.
Đối với Thông tư 22, theo anh Đoàn Ngọc Dao Phòng Phát triển rừng, việc ban hành danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính là để quản lý chất lượng giống với những loài cây có diện tích trồng lớn, đã có giống/ nguồn giống được công nhận. Tuy vậy việc chưa làm rõ được mục đích nêu trên đã dấn đến một số cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu nhầm chỉ được trồng các loài cây trong danh mục này.
Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý, phát biểu của các đại biểu từ địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo Thông tư với chất lượng cao, bảo đảm tính khả thi khi được ban hành. Dự kiến Thông tư này sẽ được trình ban hành trong tháng 12/2023.