Trong 02 ngày 06 – 07/6/2024, tại Thành phố Đà Nẵng, Cục Lâm nghiệp đại diện nước chủ nhà tổ chức Hội nghị Tổ công tác ASEAN về quản lý rừng (ASEAN Working Group on Forest Management viết tắt là AWG-FM) lần thứ 19.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện các quốc gia ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng và đại diện một số tổ chức quốc tế liên quan. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tổ công tác AWG-FM được thành lập bởi các nước ASEAN với mục tiêu thúc đẩy quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng của khu vực và đề xuất các nội dung liên quan về quản lý rừng bền vững đến Hội nghị Nhóm quan chức cấp cao của ASEAN về Lâm nghiệp (ASOF) trong thời gian tới.
Hội nghị AWG-FM được tổ chức thường niên theo nguyên tắc luân phiên các nước ASEAN, với mục tiêu nhằm thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, góp phần thực hiện tốt thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp; vận động, thu hút nguồn lực tài chính, kỹ thuật hỗ trợ cho việc phát triển ngành lâm nghiệp và nâng cao năng lực thực thi pháp luật giữa các quốc gia ASEAN.
Hội nghị AWG-FM lần thứ 19 cập nhật những chính sách trong lâm nghiệp của các quốc gia ASEAN, nâng cao năng lực cho cán bộ và cộng đồng tham gia vào lĩnh vực lâm nghiệp. Thảo luận kế hoạch hành động hợp tác giữa các nước ASEAN và cập nhật tiến trình triển khai các hoạt động hợp tác từ phiên họp lần thứ 18 của Tổ công tác trước đó. Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về các vấn đề lâm nghiệp khác có liên quan được các thành viên ASEAN quan tâm.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Cục trưởng Trần Quang Bảo với vai trò đại diện nước chủ nhà bày tỏ vui mừng khi được chào mừng đại biểu các quốc gia ASEAN tham dự sự kiện quan trọng này tại Việt Nam. Cục trưởng đánh giá cao những cố gắng, lỗ lực của Tổ công tác trong việc kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước ASEAN để phát triển lâm nghiệp bền vững trong khu vực.
Cục trưởng Trần Quang Bảo cho rằng ASEAN là khu vực phát triển kinh tế năng động, đa dạng về văn hoá và có tài nguyên rừng phong phú. Sự phát triển ngành lâm nghiệp tại các quốc gia ASEAN đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và góp phần xoá đói, giảm nghèo tại các khu vực nông thôn và miền núi, góp phần bảo vệ, phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường, chống phát thải khí nhà kính. Tuy vậy, lâm nghiệp vẫn là ngành đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức.
“Cần tiếp tục tăng cường chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để hướng tới mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững của các nước trong khu vực. Đây là một trong những yếu tố quyết định trong giải quyết các vấn đề khó khăn, thách thức” – Cục trưởng Trần Quang bảo nhấn mạnh./.