Ngày 14/6/2024 tại Hà Nội, Cục Lâm nghiệp phối hợp với Tổ chức WWF và Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD) tổ chức cuộc họp tham vấn về xây dựng mẫu “phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng của các chủ rừng”.
Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Đoàn Hoài Nam phát biểu khai mạc cuộc họp
Mẫu “phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng của các chủ rừng” là một nội dung nằm trong dự thảo Nghị định nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng mà Cục Lâm nghiệp đang tham mưu Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng.
Hệ sinh thái rừng Việt Nam là nơi sinh sống của rất nhiều loài cây dược liệu. Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu (2016) đã ghi nhận được 5.117 loài cây thuốc. Trong số đó thực vật bậc cao có mạch chiếm 5.084 loài. Đây là một kho tàng vô giá để nghiên cứu tạo nguồn nguyên liệu và các sản phẩm phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng 300 loài thường xuyên được khai thác sử dụng cho thị trường trong và ngoài nước. Nhu cầu về nguyên liệu dược ở trong nước hiện nay vào khoảng 60.000-80.000 tấn mỗi năm, trong khi đó nguồn cung trong nước mới đáp ứng được khoảng 20—30% . Việc quản lý gây trồng, khai thác bền vững nguồn dược liệu tự nhiên trong các hệ sinh thái rừng ở Việt Nam là hết sức cần thiết. Bởi, nguồn nguyên liệu dược này không chỉ gắn với các hệ sinh thái rừng mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự ổn định và tính bền vững của các hệ sinh thái rừng.
Tuy vậy, Luật Lâm nghiệp năm 2017 mới chỉ quy định việc gây trồng, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng được triển khai thực hiện trong rừng phòng hộ và rừng sản xuất theo hình thức sản xuất lâm, nông kết hợp và do chủ rừng tự thực hiện; chưa quy định đối với hình thức liên kết, cho thuê môi trường rừng để gây trồng, phát triển, khai thác cây dược liệu.
Đối với rừng đặc dụng, Luật Lâm nghiệp không quy định được gây trồng, phát triển, khai thác cây dược liệu dưới tán rừng nhằm mục đích thương mại. Do vậy, việc xã hội hóa, thu hút nguồn lực của xã hội để đầu tư, phát triển cây dược liệu liệu trong rừng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp thuê môi trường rừng đầu tư để gây trồng, phát triển các loài cây dược liệu quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao trong rừng.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc về nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng chưa quy định trong Luật Lâm nghiệp, tại Điều 248 của Luật Đất đai năm 2024 sửa đổi, bổ sung các Điều 53, 54 và 60 của Luật Lâm nghiệp đã quy định về nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và cho thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển cây dược liệu được thực hiện theo Quy chế quản lý rừng.
Như vậy, để được triển khai, thực hiện việc nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng; nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng phòng hộ, thì chủ rừng phải xây dựng Phương án để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, cần thống nhất các mẫu phương án nuôi, trồng phát triển thu hoạch cây dược liệu trong rừng để áp dụng, nhằm tạo điều kiện cho việc nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng cũng như quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững khu rừng./.