Ngành Lâm nghiệp đồng hành cùng doanh nghiệp sẵn sàng thích ứng với EUDR

Để các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các yêu cầu của EUDR khi xuất khẩu, với vai trò về quản lý nhà nước, ngành Lâm nghiệp triển khai đồng bộ một số giải pháp. Theo đó, thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng là nền tảng để đáp ứng quy định EUDR, với những tiêu chuẩn về cả kinh tế, xã hội và môi trường, hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững có nhiều điểm tương đồng và sẽ thuận lợi khi thực hiện EUDR.

Kỳ vọng thu về 16 tỷ USD xuất khẩu

Với giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản bình quân đạt gần 1,4 tỷ USD/tháng, đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản 8 tháng đầu năm 2024 đạt 11,12 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản cả năm 2024 ước đạt trên 16 tỷ USD, tăng khoảng trên 7 % so với kế hoạch đề ra.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, trừ 2 thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản có dấu hiệu giảm nhẹ lần lượt là 2,7 % và 1,4% so với cùng kỳ năm 2023, các thị trường nhập khẩu chính còn lại vẫn duy trì tăng trưởng khá mạnh. Trong đó, Hoa Kỳ đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 54,4 % và tăng 24,7 % so với cùng kỳ 2023; tiếp đến là Trung Quốc đạt 1,3 tỷ USD và châu Âu đạt 630 triệu USD và đều tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2023.

Mặc dù xuất khẩu gỗ và lâm sản 8 tháng đầu năm 2024 đã đạt được kết quả khá cao, nhưng để đạt được mục tiêu xuất khẩu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030, trong thời gian tới, bên cạnh những khó khăn trong việc sản xuất, các thị trường xuất khẩu chính thực hiện chặt những quy định về giải trình hợp pháp, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam còn gặp thêm những khó khăn, thách thức.

Đáng chú ý, với nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng không gây mất rừng và suy thoái rừng, bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng, ngày 16/5/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua quy định về không gây mất rừng và suy thoái rừng (EUDR), có hiệu lực từ ngày 29/6/2023 và bắt đầu áp dụng sau 18 tháng kể từ ngày có hiệu lực (ngày 30/12/2024), riêng đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thời gian áp dụng sau 24 tháng (ngày 30/6/2025) Theo đó, EU sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng nông lâm sản bao gồm cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu nành nếu các hoạt động trong chuỗi cung tại quốc gia sản xuất vi phạm các quy định của các quốc gia này hoặc quá trình sản xuất các sản phẩm này gây ra tình trạng mất rừng và suy thoái rừng với thời điểm gây ra tình trạng mất rừng và suy thoái rừng tính từ sau ngày 31/12/2020.

Tuy nhiên, đến nay, Liên minh Châu Âu chưa có hướng dẫn cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc thực thi. Các doanh nghiệp làm đồ gỗ xuất khẩu sang EU đang gặp nhiều vướng mắc khi các nhà nhập khẩu EU liên tục gửi các thông tin và yêu cầu phải cam kết tuân thủ EUDR. Tương tự, các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng khác như gỗ dán, viên nén, dao thìa dĩa, khi xuất khẩu vào thị trường EU cũng được các nhà nhập khẩu hỏi có tuân thủ được EUDR không và yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam cam kết tuân thủ quy định này.

Ngành Lâm nghiệp đồng hành cùng doanh nghiệp ngành gỗ trong thực thi EUDR

Về triển khai thực hiện các quy định EUDR, thực tế, ngành gỗ và cao su là 2 ngành hàng đã tham gia Hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLEGT với EU. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam và ban hành Thông tư số 22/2023/TT-NNPTNT ngày 15/12/2023 về sửa đổi, bổ sung một số thông tư ngành lâm nghiệp, trong đó có Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, đã đáp ứng và cam kết của Chính phủ Việt Nam về tất cả các mặt hàng gỗ xuất khẩu là hợp pháp.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên từ năm 2014 và có những quy định về chuyển đổi đất rừng rất chặt chẽ tại Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn luật từ 2017. Do vậy, về cơ bản gỗ và sản phẩm của gỗ, cũng như cao su khi xuất khẩu sang thị trường EU không những đảm bảo hợp pháp mà còn không gây mất rừng và suy thoái rừng.

Để các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các yêu cầu của EUDR khi xuất khẩu, với vai trò về quản lý nhà nước, ngành Lâm nghiệp triển khai đồng bộ một số giải pháp. Theo đó, thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng là nền tảng để đáp ứng quy định EUDR, với những tiêu chuẩn về cả kinh tế, xã hội và môi trường, hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững có nhiều điểm tương đồng và sẽ thuận lợi khi thực hiện EUDR.

Quy định sản xuất hàng hóa của EUDR có 3 điểm mấu chốt là: Hàng hóa không được sản xuất từ nguyên liệu gây mất rừng, suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020; sản xuất phải tuân thủ theo quy định luật pháp của nước sở tại; có thông tin tọa độ đối với các lô khai thác; có hệ thống thẩm định trách nhiệm để minh chứng việc tuân thủ theo quy định luật pháp của nước sở tại.

Đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu. Theo đó, đối với các khu vực diện tích cá nhân, hộ gia đình có diện tích manh mún, nhỏ lẻ, đặc biệt là các hộ sản xuất nhỏ có rất ít hoặc không có thông tin về các yêu cầu của EUDR hoặc thiếu dữ liệu cơ bản và bằng chứng về tính hợp pháp và phá rừng (ví dụ: bản đồ rừng, bản đồ sử dụng đất, giấy tờ sử dụng đất) sẽ tiến hành cấp mã số vùng trồng trong thời gian tới. Ngày 9/7/2024, Cục Lâm nghiệp đã xây dựng và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Tài liệu hướng dẫn tạm thời cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu thực hiện thí điểm tại một số tỉnh phía Bắc, ban hành kém theo Quyết định số 2260/QĐ-BNN-LN. Sau khi kết thúc thí điểm, sẽ đánh giá và nhân rộng cấp mã số vùng trồng trên toàn quốc.

Tiếp tục phối hợp với Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam và các bên liên quan rà soát mức độ sẵn sàng thực hiện EUDR của ngành gỗ  Đồng thời, liên tục cập nhật và cung cấp những thông tin kịp thời và thực tế hỗ trợ cho các kế hoạch hành động theo các yêu cầu của quy định EUDR cho các doanh nghiệp và đơn vị liên quan.

Trên thực tế, trong thời gian qua, Cục Lâm nghiệp đã thành lập Tổ công tác thực hiện EUDR cho lĩnh vực lâm nghiệp, bao gồm thành viên từ các đơn vị liên quan trong và ngoài Cục Lâm nghiệp để xây dựng về thực hiện kế hoạch hành động thực hiện EUDR trong lĩnh vực lâm nghiệp, xây dựng hướng dẫn tạm thời để hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản sẵn sàng thực thi quy định về chống mất rừng và suy thoái rừng.

Hiện nay, Hiệp Hội gỗ và lâm sản đã phối hợp với Cục Lâm nghiệp và các đối tác liên quan lựa chọn 6 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ và sản phẩm của gỗ sang EU, doanh nghiệp nguyên liệu trong chuỗi cung ứng gỗ xuất khẩu sang EU, để khảo sát, đánh giá hiện trạng, xác định khoảng trống mà doanh nghiệp cần thực hiện để đáp ứng yêu cầu EUDR. Sau khi khảo sát và xây dựng tài liệu hướng dẫn và sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý, thu thập thông tin, đánh giá rủi do, các biện pháp giảm thiểu rủi do theo quy định của EUDR.

Trong thời gian tới, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông báo số 6530/TB-BNN-VP ngày 5/9/2024. Trên cơ sở Tổ công tác EUDR lĩnh vực lâm nghiệp đã thành lập, Cục Lâm nghiệp sẽ phối hợp với các bên liên quan xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật tạm thời thích ứng với EUDR cho ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ để hỗ trợ, sẵn sàng đồng hành cùng ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam đáp ứng được quy định về chống phá rừng và suy thoái rừng của Liên minh Châu Âu.

Việc Ngành Lâm nghiệp phối hợp cùng Hiệp hội gỗ và Lân sản Việt Nam sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp trong việc chuẩn bị để thích ứng với quy định EUDR của Liên minh châu Âu không chỉ giúp bảo vệ nguồn tài nguyên rừng mà còn nâng cao giá trị và uy tín và khả năng cạnh tranh của ngành gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đây là một bước đi quan trọng, khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

PGS.TS. Trần Quang Bảo – Cục trưởng Cục Lâm nghiệp