Hội thảo ứng dụng công nghệ cao trong quản lý sản xuất lâm nghiệp bền vững

Ngày 15/11/2024, tại Trường Đại học Lâm nghiệp, Cục Lâm nghiệp phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức hội thảo ứng dụng công nghệ cao trong quản lý sản xuất lâm nghiệp bền vững.

Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Trường Đại học Lâm nghiệp. Hội thảo có sự tham dự của ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, ông Cao Quốc An, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Lâm nghiệp, ông Trần Văn Chứ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp. Đặc biệt, Hội thảo còn có sự tham dự của ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ thông tin về ứng dụng công nghệ cao vào quản lý và sản xuất lâm nghiệp, đề xuất chính sách và định hướng thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội thảo đã được nghe các áo cáo chuyên đề về chuyển đổi số trong ngành lâm nghiệp, thực trạng và định hướng phát triển; ứng dụng công nghệ cao trong giám sát và quản lý tài nguyên rừng; công nghệ cao trong sản xuất giống cây và kỹ thuật lâm sinh; ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ cao trong quản lý cây xanh,…

Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo đánh giá, Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh phát triển của ngành lâm nghiệp hiện nay. “Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao là đòi hỏi tất yếu để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” – Cục trưởng Cục Lâm nghiệp nhấn mạnh.

Hiện nay, dư địa diện tích đất để phát triển rừng trồng mới không còn nhiều, do vậy, để nâng cao năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng thì việc ứng dụng công nghệ sinh học trong cải thiện chất lượng giống là giải pháp rất quan trọng.

“Hiện nay, năng suất rừng trồng bình quân cả nước mới đạt 15 – 18m3/ha/năm, con số này còn thấp, do vậy, cần chọn tạo các loài cây lập địa, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng”, ông Bảo nói.

Trong khi đó, ứng dụng chuyển đổi số, các phần mềm trong đo đạc, định vị sẽ có vị trí, vai trò quan trọng trong quản lý, bảo vệ, giám sát, cấp mã số vùng trồng cho các vùng rừng nguyên liệu.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng cho rằng, công nghệ số, giống và chế biến sẽ là những trụ cột chính của ngành lâm nghiệp.

“Giờ là lúc chúng ta cần phát triển đồng thời, vừa duy trì động lực từ thị trường, vừa khai phá thêm động lực mới từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo”, ông Phát nói.

Lấy ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, nguyên Bộ trưởng chỉ ra, phải mất hàng chục năm, giá gạo Việt Nam mới tăng từ 450 lên 600 USD/tấn. Tuy nhiên, chỉ cần một sản phẩm công nghệ – gạo ST25 – ngưỡng 1.000 USD/tấn đã được chinh phục trong vòng vài năm.

Trên cơ sở đó, ông Cao Đức Phát đề xuất các đơn vị liên quan trong ngành lâm nghiệp nên tìm kiếm những giá trị mới, giá trị tăng thêm, xây dựng ngành lâm nghiệp bền vững vì sinh kế của hơn 20 triệu người dân đang sống dựa vào rừng.

Nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát thăm quan gian trưng bày một số thành tựu nổi bật ngành lâm nghiệp tại Triển lãm Đào tạo – Khoa học công nghệ – Hợp tác quốc tế

Thời gian vừa qua, ngành lâm nghiệp đã chủ động, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ năm 2013, Tổng cục Lâm nghiệp (trước đây) đã xây dựng Hệ thống nền thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (Hệ thống FORMIS). Hệ thống này đóng vai trò là nền tảng (Platform) để tiếp nhận, tích hợp, kết nối các phần mềm/ứng dụng chuyên ngành, phục vụ cho việc cập nhật dữ liệu, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành lâm nghiệp.

Dữ liệu chuyên ngành lâm nghiệp hiện có đã được cài đặt, tích hợp vào Hệ thống FORMIS gồm: CSDL tài nguyên rừng (được chuẩn hóa, thiết lập CSDL từ kết quả Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc và cập nhật số liệu công bố hiện trạng rừng năm 2017); Dữ liệu điều tra rừng quốc gia 5 chu kỳ: 1990-2010 (Viện Điều tra quy hoạch rừng thực hiện); CSDL về điều kiện lập địa thích hợp cho trồng rừng (Viện Sinh thái và môi trường rừng – Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam); CSDL chi trả dịch vụ môi trường rừng; CSDL rừng ven biển; Thông tin mùa vụ trồng rừng; Thông tin các khu rừng đặc dụng.

Hiện nay, các phần mềm chính đang vận hành thường xuyên để cập nhật thông tin, dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành gồm: Phần mềm giám sát đánh giá chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững (Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm và Chi cục Kiểm lâm/Sở NNPTNT các địa phương vận hành, cập nhật hàng tháng các chỉ tiêu thống kê lâm nghiệp và các nhiêm vụ thuộc Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững); Phần mềm theo dõi diễn biến rừng (Cục Kiểm lâm và Chi cục Kiểm lâm các địa phương vận hành, cập nhật thường xuyên về diễn biến rừng); Ứng dụng quản lý điều hành/báo cáo trực tuyến của Cục Lâm nghiệp.

Ngoài ra, các đơn vị trong lĩnh vực lâm nghiệp đã xây dựng và ứng dụng công nghệ 4.0 để tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ có ứng dụng thực tế cao, góp phần quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên rừng.

Tuy nhiên, do xây dựng từ lâu (năm 2013), nên đến thời điểm hiện tại, hệ thống nền tảng có nhiều tính năng, tiện ích không còn phù hợp để đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng ngày càng cao.

Cơ sở dữ liệu chưa được cập nhật mới (dữ liệu tài nguyên rừng; giống cây trồng lâm nghiệp…); thông tin, dữ liệu còn manh mún, tản mát và còn thiếu, nhất là một số lĩnh vực quan trọng như: CSDL vùng trồng; các-bon rừng; đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng; lĩnh vực chế biến và thương mại lâm sản… Đồng thời, hệ thống CSDL chưa được kết nối, liên thông với các địa phương và các đơn vị liên quan.

Cục Lâm nghiệp tham gia triển lãm Đào tạo – Khoa học công nghệ – Hợp tác quốc tế tại Trường Đại học Lâm nghiệp trong 2 ngày 15 – 16/11/2024

Về định hướng chuyển đổi số ngành lâm nghiệp thời gian tới, Cục Lâm nghiệp xác định, xây dựng hệ sinh thái lâm nghiệp số toàn diện, từ quản lý rừng, khai thác tài nguyên, đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao năng lực quản lý, giám sát tài nguyên rừng một cách chính xác, kịp thời thông qua các ứng dụng công nghệ số. Tăng cường hiệu quả ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý và thực thi công việc của các cơ quan lâm nghiệp các cấp.

Cục Lâm nghiệp cũng đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số trong lâm nghiệp như: Đầu tư vào hạ tầng công nghệ/hạ tầng kỹ thuật số; xây dựng hệ thống CSDL toàn diện (kho dữ liệu) về lâm nghiệp để lưu trữ, tăng cường kết nối và chia sẻ thông tin trên toàn quốc.

Phát triển các ứng dụng, dịch vụ thông minh trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng, đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng và các lĩnh vực đặc thù của ngành. Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ, các tổ chức quốc tế để huy động nguồn lực và kinh nghiệm cho quá trình chuyển đổi số. Đẩy mạnh đào tạo nhân lực có kỹ năng về công nghệ số, đồng thời, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ lâm nghiệp các cấp. Thiết lập cơ chế pháp lý rõ ràng và thống nhất về quản lý dữ liệu và bảo mật thông tin, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và an toàn trong quá trình triển khai./.