Chiều 20 tháng 11 năm 2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chính thức công bố Kế hoạch Hành động Bảo tồn voi tại Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2050 (VECAP 2022).
Lễ công bố diễn ra chiều ngày 20/11 tại Hà Nội
Đây là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực bảo vệ voi, lồng ghép các sáng kiến thí điểm, tăng cường sự tham gia của cộng đồng và phát triển chính sách nhằm đảm bảo sự sống còn và phát triển bền vững của loài Voi tại Việt Nam trong những thập kỷ tới. Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở khoa học, là kết quả của sự hợp tác giữa Cục Lâm nghiệp và tổ chức Humane Society International (HSI) từ năm 2019.
Từ số lượng 2000 cá thể voi được phát hiện vào những năm 80 của thế kỷ trước, quần thể voi châu Á tại Việt Nam đã suy giảm xuống mức báo động dưới 200 cá thể voi hoang dã. Với vai trò là loài chỉ thị quan trọng trong hệ sinh thái rừng, sự tồn tại của voi là điều kiện thiết yếu để bảo vệ đa dạng sinh học và các loài khác cùng tồn tại.
Trong các năm từ 1996, 2006, 2012, 2013 và 2022, Việt Nam đã ban hành một chương trình hành động cấp Bộ và ba kế hoạch, đề án cấp Chính phủ để bảo tồn voi do tầm quan trọng của loài này. Tương ứng với từng giai đoạn, công tác bảo tồn voi đã có những kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt vào năm 2019, Chương trình thí điểm bảo tồn voi theo hướng chung sống hài hòa được tiến hành tiên phong tại tỉnh Đồng Nai, với 3 sáng kiến “Giám sát voi bằng bẫy ảnh”; “Giám sát xung đột voi người” nhằm cải thiện việc quản lý hiện tại hướng tới chung sống hài hòa và “Quản lý vùng sống và sinh cảnh của voi”. Chương trình này do Tổ chức HSI hỗ trợ với sự hướng dẫn của chuyên gia quốc tế – TS Prithiviraj Fernado, thành viên nòng cốt của Nhóm chuyên gia về voi châu Á (AsESG) và là trưởng nhóm hỗ trợ cho Việt Nam. Phương pháp tiếp cận khoa học của những sáng kiến này giúp định dạng chính xác 27 cá thể, với cấu trúc đàn rõ ràng, cho phép hiểu hơn về xu hướng di chuyển của đàn và mức độ, tần suất hay nguyên nhân của xung đột voi người… Những kết quả rõ ràng này được các chuyên gia trong và ngoài nước, khi tham gia hội thảo quốc tế tổ chức vào tháng 8/2023, ghi nhận và đánh giá cao tính phù hợp của các phương pháp này với các quần thể voi nhỏ, phân mảnh và có nguy cơ cao như ở Việt Nam.
Quần thể voi châu Á tại Việt Nam đã suy giảm xuống mức báo động dưới 200 cá thể voi hoang dã
Việc xác định phương pháp phù hợp và xây dựng kế hoạch hành động dựa trên các kết quả khoa học đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo tồn loài thú quý hiếm này tại Việt Nam. Trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành về xây dựng chính sách cùng hai tài liệu hướng dẫn từ Tiểu ban Bảo tồn Loài của IUCN: “Hướng dẫn lập kế hoạch về bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm” và “Các bước lập kế hoạch bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm”, Bản Kế hoạch Hành động Quốc gia về Bảo tồn voi tại Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2050 (VECAP 2022) đã được ban hành, hiện thực hóa cam kết của Việt Nam đối với Tuyên bố Kathmandu về bảo tồn voi châu Á.
Quá trình xây dựng kế hoạch hành động được thực hiện qua 10 bước, bao gồm lựa chọn giải pháp phù hợp, rà soát tình trạng bảo tồn, xây dựng mục tiêu, và xác định các hành động cụ thể cho từng tỉnh. Các tỉnh như Đắk Lắk, Đồng Nai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam và Sơn La đã tích cực đề xuất các hoạt động kèm theo thuyết minh chi tiết, để nhóm kỹ thuật và các chuyên gia quốc tế tiến hành phản biện.
Danh mục hoạt động sau khi được lựa chọn đã trải qua quy trình tham vấn kỹ thuật và ý kiến đóng góp từ nhiều bên liên quan, bao gồm các nhà quản lý, cơ quan thực thi, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước, cùng cộng đồng dân cư tại các khu vực có voi. Ở cấp tỉnh, đã tổ chức 5 cuộc họp tham vấn tại Hà Tĩnh, Nghệ An, Đồng Nai, Quảng Nam và Đắk Lắk; hơn 10 cuộc họp cấp cộng đồng để lắng nghe, ghi nhận và cân nhắc các ý kiến, tâm tư và khó khăn của người dân sống gần khu vực voi sinh sống. Ở cấp quốc gia, có 2 cuộc họp kỹ thuật, 3 cuộc họp chuyên đề về voi hoang dã và voi nuôi nhốt, 1 hội thảo đánh giá Chương trình thí điểm bảo tồn voi theo hướng chung sống hài hòa, cùng 15 cuộc họp kỹ thuật định kỳ. Ở cấp quốc tế, nội dung kế hoạch đã được thảo luận tại 9 cuộc họp và hội thảo liên quan.
“Sự chung sống hài hòa không chỉ là phương thức, mà còn là đích đến trong hành trình bảo tồn loài voi tại Việt Nam”- Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị chia sẻ
Phát biểu tại Lễ công bố, ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam khẳng định Kế hoạch Hành động Quốc gia về Bảo tồn Voi đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050 thể hiện cam kết của Việt Nam về một chiến lược thống nhất, tôn trọng văn hóa, đảm bảo tương lai cho loài voi. Chính phủ Việt Nam kêu gọi sự chung tay của các bên liên quan, bao gồm cộng đồng địa phương, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng quốc tế, để hỗ trợ thực hiện Kế hoạch chiến lược và khả thi này.
“Chung sống hài hòa với thiên nhiên và muôn loài là mục tiêu chung của cộng đồng toàn cầu, và khi áp dụng cho loài voi châu Á tại Việt Nam, mục tiêu đó càng trở nên cấp bách. Vì vậy, chúng ta phải hành động để bảo vệ loài voi khỏi nguy cơ tuyệt chủng và học cách sống hòa hợp với chúng, nhằm ngăn chặn những xung đột giữa con người và loài vật này. Sự chung sống hài hòa không chỉ là phương thức, mà còn là đích đến trong hành trình bảo tồn loài voi tại Việt Nam” – Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị chia sẻ.
Bà Cindy Dent, Phó Chủ tịch Văn phòng các quốc gia của HSI
Bà Cindy Dent, Phó Chủ tịch Văn phòng các quốc gia của HSI cho biết: “Kế hoạch bảo tồn quốc gia này là một dấu mốc quan trọng trong sứ mệnh bảo vệ voi nguy cấp của HSI tại Việt Nam. Bằng cách kết hợp các nghiên cứu khoa học với các chiến lược do cộng đồng đề xuất, chúng tôi có thể đề xuất các giải pháp bền vững có lợi cho cả voi và người dân địa phương. Với các sáng kiến thực tiễn cao giúp làm sáng tỏ hành vi, xu hướng di chuyển và sở thích của voi, chúng tôi muốn đưa các nhu cầu, mong muốn của loài voi vào các quyết sách của Chính phủ Việt Nam thông qua các cuộc thảo luận. HSI đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và sẵn sàng hỗ trợ việc thực hiện VECAP 2022, hướng tới chung sống hài hòa giữa voi hoang dã và người tại Việt Nam. Cùng nhau, chúng ta có thể đảm bảo một tương lai nơi loài voi không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ.”
VECAP 2022 đã đề ra 33 nhóm giải pháp/hành động dành cho voi hoang dã và 21 nhóm giải pháp/hành động dành cho voi nuôi nhốt, triển khai từ nay đến năm 2035 với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm bảo tồn và phát triển/gia tăng số lượng voi tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sự chung sống hài hòa giữa voi và cộng đồng con người. Các mục tiêu dài hạn bao gồm mở rộng hệ thống khu bảo tồn, tăng cường các biện pháp chống săn bắt và phát triển du lịch sinh thái, vừa hỗ trợ công tác bảo tồn vừa thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện kế hoạch. Thành công của VECAP 2022 sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác chặt chẽ và bền vững giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức bảo tồn quốc tế, cộng đồng địa phương và các đối tác trong khu vực tư nhân.