TRUY XUẤT NGUỒN GỐC NGÀNH NÔNG NGHIỆP

  1. Tổng quan Hệ thống Truy xuất nguồn gốc của Bộ

– Năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quyết định số 4164/QĐ-BNN-KHCN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Trong đó cho phép áp dụng chính thức hệ thống truy xuất nguồn gốc checkvn.mard.gov.vn sau một thời gian triển khai thí điểm theo hình thức xã hội hóa.

– Hiện tại, hệ thống đang được cài đặt trên hạ tầng máy chủ của Bộ do Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp quản lý, duy trì và vận hành kỹ thuật. Về lâu dài, hệ thống mang tính chất bao quát, tổng thể và là nền tảng lõi để cho phép kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu với các hệ thống khác.

– Hệ thống này có địa chỉ truy cập tại https://checkvn.mard.gov.vn. Về cơ bản, hệ thống đã sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ và khai thác, sử dụng; đáp ứng được một số yêu cầu đối với một cổng truy xuất nguồn gốc nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, trở thành công cụ hữu ích cho nhà sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đến thời điểm hiện tại, Hệ thống đã kết nối dữ liệu thông suốt với hệ thống truy xuất nguồn gốc của các địa phương như Hà Nội, Hưng Yên, Hòa Bình, Quảng Ninh, Cần Thơ, Ninh Bình, Hà Nam, Đăk Nông, Vĩnh Long, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Hiệp hội mía đường… Trong thời gian tới, một số địa phương đang xây dựng kế hoạch để tham gia kết nối, chia sẻ dữ liệu hình thành nên mạng lưới truy xuất nguồn gốc rộng khắp trên cả nước.

  1. Lợi ích của Hệ thống Truy xuất nguồn gốc của Bộ

Khi tham gia hệ thống, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sẽ cập nhật thông tin về sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp bao gồm tối thiểu 10 trường thông tin (theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN ngày 28/3/2024) hình thành lên một CSDL lớn được tổ chức, lưu trữ tập trung trên hệ thống máy chủ của Bộ Nông nghiệp & PTNT, việc này sẽ mang lại những lợi ích sau:

– Đối với nhà quản lý: giúp kiểm soát được sản phẩm tham gia hệ thống, thống kê thị trường, theo dõi luồng di chuyển để kiểm soát chất lượng, tình trạng hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ xử lý khi có vấn đề phát sinh (truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn; giải quyết khiếu nại,…).

– Đối với doanh nghiệp: đảm bảo sự minh bạch trong khâu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tăng hiệu quả truyền thông và kinh doanh, bảo vệ được sản phẩm, kiểm soát chất lượng sản phẩm, chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu, thống kê về lịch sử xác thực của người tiêu dùng, hỗ trợ xử lý khi có vấn đề phát sinh (kịp thời xác định, thu hồi, xử lý thực phẩm không an toàn, khiếu nại)….

– Đối với người tiêu dùng: giúp người tiêu dùng kiểm tra được thông tin về nguồn gốc sản phẩm, chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nhanh gọn và hiệu quả, giúp người tiêu dùng nhận biết rõ về thực phẩm sử dụng, chủ động truy xuất bằng chính mã số trên mỗi sản phẩm, thao tác đơn giản, trả lời tức thì tại thời điểm xác thực, miễn phí xác thực chống giả.

  1. Truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực Lâm nghiệp

Cùng với các văn bản đã ban hành có liên quan đến truy xuất nguồn gốc, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành 02 Thông tư: Thông tư số 17/2021/TT-BNNPTNT ban hành ngày 20 tháng 12 năm 2021 quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2022 quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 2260/QĐ-BNN-LN ngày 09 tháng 7 năm 2024 về việc ban hành Tài liệu hướng dẫn tạm thời cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu thực hiện thí điểm tại các tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái.

Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để triển khai, áp dụng truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực lâm nghiệp. Bên cạnh đó, ngành Lâm nghiệp có danh mục các sản phẩm, hành hóa phong phú, đa dạng cùng với các nghiệp vụ quản lý cụ thể, rõ ràng có khả năng ứng dụng truy xuất nguồn gốc thành công như Chế biến và Thương mại lâm sản; Tổ chức sản xuất lâm nghiệp; Quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

Một vấn đề khác, yêu cầu ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa lâm nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm về gỗ với các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… hầu như đòi hỏi yêu cầu về truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Đứng trước yêu cầu thực tế và hiện trạng hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ, việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm, hàng hóa lâm sản là hoàn toàn có thể khả thi, hiệu quả.