Ngày 30 tháng 8 năm 2024, Cục Lâm nghiệp tổ chức buổi tập huấn chia sẻ về ứng dụng công nghệ số, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong toàn Cục. Buổi tập huấn đặc biệt chú trọng vào việc giới thiệu các công nghệ AI, công cụ thiết kế đồ họa Canva và các ứng dụng hỗ trợ trong công tác lâm nghiệp.
Tập huấn chia sẻ công nghệ thời đại Chuyển đổi số Cục Lâm nghiệp năm 2024
Tại buổi tập huấn, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Phạm Hồng Lượng đã giới thiệu tổng quan về công nghệ AI và các ứng dụng, đặc biệt là ChatGPT, một trong những công cụ trí tuệ nhân tạo đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Phó Cục trưởng nhấn mạnh vai trò, lợi ích của AI trong công việc, bao gồm việc tự động hóa các quy trình làm việc, tối ưu hóa các quyết định dựa trên dữ liệu, tối ưu hóa nguồn lực và hỗ trợ công chức nâng cao hiệu quả công việc hàng ngày. Công nghệ này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn giúp giảm thiểu sai sót trong quá trình xử lý thông tin.
Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Phạm Hồng Lượng đã giới thiệu tổng quan về công nghệ AI và các ứng dụng, đặc biệt là ChatGPT
Đại diện Phòng Thông tin và Chuyển đổi số và đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cũng đã chia sẻ về công cụ thiết kế đồ họa Canva, một phần mềm đơn giản nhưng vô cùng hữu ích cho những người không chuyên, giúp người dùng dễ dàng tạo ra các sản phẩm truyền thông đẹp mắt và chuyên nghiệp. Các đại biểu đã được hướng dẫn cách sử dụng ứng dụng Canva trong công tác thông tin, truyền thông, đặc biệt trong lĩnh vực lâm nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông. Ngoài các phần lý thuyết, buổi tập huấn còn có các phần thực hành trực tiếp, giúp các đại biểu có cơ hội trải nghiệm và ứng dụng các công cụ ngay trong công việc thực tế.
Đại diện Phòng Thông tin và Chuyển đổi số và đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cũng đã chia sẻ về công cụ thiết kế đồ họa Canva
Chương trình tập huấn này không chỉ là một phần quan trọng trong kế hoạch nâng cao năng lực số cho công chức, viên chức Cục Lâm nghiệp, mà còn là bước đột phá trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực lâm nghiệp. Thông qua chương trình, các cán bộ sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về công nghệ số, từ đó áp dụng hiệu quả vào công việc hàng ngày. Điều này góp phần xây dựng một môi trường làm việc hiện đại, nơi mà các quy trình được tối ưu hóa, các quyết định quản lý được đưa ra dựa trên dữ liệu chính xác, minh bạch, và sự sáng tạo được khuyến khích phát huy tối đa. Đồng thời, chương trình còn đóng vai trò định hướng cho sự phát triển lâu dài, giúp ngành lâm nghiệp không chỉ đáp ứng được các yêu cầu của thời đại số hóa, mà còn khẳng định vị thế của mình trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng quốc gia.