Sáng 20/12/2024, Cục Lâm nghiệp tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá và đề xuất xây dựng Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo chủ trì Hội nghị
Theo Ban thư ký Công ước chống sa mạc hoá, hiện nay trên thế giới có khoảng 1,52 tỷ ha đất bị suy thoái và khô hạn, diện tích này vẫn đang tiếp tục tăng lên với tỷ lệ trung bình khoảng 1% mỗi năm. Đáng chú ý là khu vực chiếm tỷ lệ đất bị suy thoái và khô hạn cao nhất lại là khu vực Đông Á và Đông Nam Á, chiếm tới 24% toàn thế giới.
Hàng năm ít nhất 100 triệu ha đất sản xuất bị suy thoái, ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu, ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 1,3 tỷ người trên thế giới vì phải đối mặt với tình trạng suy thoái đất ngày một gia tăng. Hiện tượng khô hạn cũng diễn ra phức tạp không kém, với khoảng 100 quốc gia trên thế giới hiện nay đang bị ảnh hưởng, trong đó có 15 quốc gia đang bị ảnh hưởng ở mức nghiêm trọng. Khu vực Châu Á cũng là khu vực có tỷ lệ đất khô hạn cao nhất thế giới.
Tại Việt Nam, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến năm 2019, tổng diện tích đất bị thoái hoá cả nước là 11,8 triệu ha, trong đó đất bị suy thoái nặng là 1,2 triệu ha, suy thoái trung bình là 3,8, suy thoái nhẹ là 6,8 triệu ha. Trong đó, vùng có diện tích đất suy thoái lớn nhất là Vùng Trung du miền núi phía Bắc; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; suy thoái ít nhất là Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích là 289 ha và không có diện tích đất bị suy thoái nặng.
Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo nhận định, dù chưa phải xếp vào quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng về suy thoái đất và khô hạn, tuy nhiên, Việt Nam đã sớm nhận diện nguy cơ và ký kết gia nhập Công ước chống sa mạc hoá của Liên hợp quốc và trở thành thành viên thứ 134 của Công ước từ năm 1998.
Báo cáo tổng kết Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn 2006 – 2010, định hướng 2020 và đề xuất chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy, trong giai đoạn này, ứng dụng tiến bộ, khoa học công nghệ trong phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Các giải pháp đã được áp dụng đồng bộ như: tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; nghiên cứu cây trồng chịu hạn, chịu mặn; hệ thống hồ chứa nước đa mục tiêu phục vụ cho mùa khô; hệ thống kênh mương được kiên cố và mở rộng; kỹ thuật lâm sinh cải tiến… Điều tra, đánh giá đất thoái hóa và các nghiên cứu, chương trình, dự án, đề án phục hồi, cải tạo đất cũng đã được triển khai thực hiện ở các vùng ưu tiên.
Nỗ lực trồng và phục hồi rừng đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống và khắc phục sa mạc hóa/ thoái hóa đất
Các hoạt động bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn phá rừng và chuyển đổi rừng sai mục đích, trồng và phục hồi rừng theo hướng bền vững đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống và khắc phục sa mạc hoá/thoái hoá đất vùng đồi núi, bán sơn địa, khu vực ven biển.
Sau 15 năm thực hiện, nguyên nhân sa mạc hóa do hoạt động của con người gây ra đã dần được khắc phục, công tác phòng, chống sa mạc hóa dần chuyển từ “bị động” sang “chủ động”. Tuy nhiên, tổng diện tích đất bị thoái hóa hiện nay vẫn chiếm 35,7% tổng diện tích tự nhiên cả nước, trong đó 43% diện tích đất bị thoái hóa là đất sản xuất nông nghiệp và 42% diện tích bị thoái hóa là đất lâm nghiệp.
Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu (BĐKH) và áp lực phát triển kinh tế – xã hội đặc biệt tại các vùng nguy cơ sa mạc hóa cao, nhiệm vụ chống sa mạc hóa còn nhiều thách thức và cần thiết phải tiếp tục có những hành động mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tiếp theo.