EU đã chính thức công bố hoãn thực thi EUDR thêm 12 tháng trên Công báo EU, với thời gian áp dụng mới bắt đầu từ ngày 30/12/2025 đối với doanh nghiệp vừa và lớn, và từ ngày 30/6/2026 đối với các doanh nghiệp nhỏ. Quy định phân loại quốc gia theo mức độ nguy cơ gây mất rừng (cao, trung bình, thấp) sẽ được công bố trước ngày 30/6/2025. Thông báo này cũng điều chỉnh hết hiệu lực của EUTR từ ngày 30/12/2025. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp đang tìm cách tuân thủ EUDR thông qua phát triển công nghệ và sự hợp tác. Thực tiễn triển khai cho thấy một số quốc gia sản xuất đậu nành và dầu cọ vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ cho EUDR. Các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp tiếp tục lo ngại về việc các nông hộ nhỏ sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng vì thiếu nguồn lực.
Đối với ngành cà phê, các công ty như Nespresso và Louis Dreyfus Company đang chuẩn bị để tuân thủ EUDR thông qua việc áp dụng phương pháp nông lâm kết hợp và nông nghiệp tái sinh. Tuy nhiên, ngành cà phê vẫn đối mặt với các thách thức trong việc thực thi các thực hành không gây mất rừng, vượt qua các rào cản tài chính và phân biệt giữa “rừng” và “nông lâm kết hợp”.
Ở Việt Nam, việc tuân thủ EUDR đã được triển khai chủ động từ sớm trong các ngành hàng như cà phê, cao su và gỗ. Bộ Nông nghiệp &PTNT cùng các địa phương đã tổ chức các buổi tập huấn và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và nông dân để đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Các sáng kiến này đã được EU đánh giá cao và coi là động lực để Việt Nam phát triển nông nghiệp bền vững và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Quảng Trị, với ngành cà phê, đã chủ động thích ứng với EUDR, giúp sản phẩm cà phê của tỉnh có cơ hội mở rộng xuất khẩu và tăng cường liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và các đối tác xuất khẩu.
Thông tin trên được mô tả chi tiết trong file đính kèm.