Việt Nam đang nỗ lực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, nhằm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững, đóng góp vào hệ sinh thái “carbon Xanh” của Việt Nam.
Việt Nam hiện có 28 tỉnh, thành có biển với 125 huyện ven biển, đường bờ biển dài hơn 3.260 km. Rừng ngập mặn mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng diện tích rừng quốc gia nhưng đây lại là loại rừng có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ bờ biển và sinh kế của người dân, đóng góp vào tăng trưởng Xanh.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo quốc tế “Phát huy giá trị đa dụng của rừng ngập mặn cho mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 21/11.
Hội thảo được tổ chức ngày 21/11/2023 tại Thừa Thiên Huế. ảnh UNDP
Hội thảo là cơ hội cho các quốc gia đang phát triển học hỏi các thực hành tốt và chia sẻ bài học, kinh nghiệm liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, đưa rừng ngập mặn vào Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và khai thác tiềm năng carbon Xanh của rừng ngập mặn trong việc cấp tài chính cho các nỗ lực bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn.
Báo cáo về tình hình thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 và các thách thức, cơ hội cho quản lý bền vững rừng ngập mặn tại Việt Nam, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2016/NĐ-CP về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ cũng ban hành các thông tư quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính, công nhận giống và nguồn giống cây trồng lâm nghiệp, các biện pháp lâm sinh cũng như hướng dẫn kỹ thuật cho 15 loài cây trồng ngập mặn chủ yếu. Đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành 08 tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng hàng rào giảm sóng, giữ bùn, tạo bãi trồng rừng cũng như các tiêu chuẩn về giống các loài cây ngập mặn.
Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp. Ảnh UNDP
Kết quả, các địa phương đã tổ chức bảo vệ 309.131 ha rừng ven biển, đạt 112% so với kế hoạch. Về phát triển rừng, tổng diện tích rừng đã trồng là trên 6,3 nghìn ha rừng trồng tập trung, trồng 327 nghìn cây phân tán. Xây dựng các công trình bảo vệ bờ biển, hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng như: tu bổ đê, kè, xây dựng tường mềm chắn sóng, giữ bùn để gây bồi, tạo bãi để trồng rừng, nhà trạm, tháp canh bảo vệ rừng, đường ranh cản lửa, đường tuần tra, bảo vệ rừng,…
Một số địa phương trồng rừng ven biển đạt kết quả cao như: Quảng Ninh (843 ha); Hải Phòng (663 ha); Quảng Bình (601 ha); Hà Tĩnh (599 ha); Quảng Trị (533 ha) và nhiều địa phương vùng ven biển khác.
Tổng nguồn vốn đã đầu tư thông qua 71 dự án bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển là trên 2,1 nghìn tỷ đồng, chủ yếu là từ nguồn vốn ODA, chiếm 64,16%.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức đang đặt ra với công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn như tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất quy hoạch cho trồng rừng ven biển sang mục đích khác, xâm lấn đất rừng để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và các hoạt động trái phép khác vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều dự án trồng rừng ven biển còn chậm tiến độ, ở một số nơi việc gây bồi, tạo bãi để trồng rừng chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn cây giống chưa được kiểm soát về nguồn gốc nên chất lượng chưa bảo đảm…
Tại hội thảo, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: “Việc mất rừng ngập mặn nhanh chóng đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với khả năng phục hồi, đa dạng sinh học ven biển và sinh kế của hàng triệu người sống phụ thuộc vào các hệ sinh thái này. Việc khôi phục rừng ngập mặn không chỉ đơn thuần là một mệnh lệnh về môi trường mà còn là nghĩa vụ đạo đức đối với các thế hệ tương lai.”
Bà Ramla Khalidi Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam. Ảnh UNDP
Bà Ramla Khalidi đánh giá cao sự lãnh đạo của Việt Nam trong công tác bảo tồn rừng ngập mặn. Bà Ramla Khalidi cũng nêu bật về các dự án hợp tác triển khai cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gồm cả hoạt động trồng và phục hồi hơn 4.000 ha rừng ngập mặn và một dự án sắp tới do Canada tài trợ để bảo vệ và tạo thêm 1.000 ha rừng ngập mặn nữa.
Bà Ramla Khalidi cũng đề cập đến hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Chương trình toàn cầu Lời hứa khí hậu của UNDP do Chính phủ Anh hỗ trợ. Chương trình này tiến hành đánh giá trữ lượng carbon ở 28 tỉnh ven biển Việt Nam và xác định các lộ trình tài chính bền vững cũng như tiềm năng của thị trường carbon tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường chính sách quản lý rừng. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng nêu bật vai trò quan trọng của việc nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế của rừng ngập mặn ven biển ở Việt Nam, kêu gọi các tỉnh ven biển tăng cường nỗ lực bảo vệ và trồng rừng ngập mặn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: UNDP)
“Sau hội thảo này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hoàn thiện cơ chế chính sách lâm nghiệp trình Chính phủ phê duyệt và xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật để phát huy giá trị đa dụng của rừng ngập mặn,” Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nhất trí về việc cần có hành động toàn cầu và địa phương để bảo vệ rừng ngập mặn. Nhận thức được vai trò không thể thiếu của rừng ngập mặn trong bảo tồn đa dạng sinh học, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và hỗ trợ kinh tế địa phương, các đại biểu kêu gọi tăng cường hợp tác liên ngành, tài chính bền vững, và lồng ghép bảo tồn rừng ngập mặn vào các chính sách khí hậu của quốc gia và quốc tế./.