Các bon rừng – Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho lĩnh vực lâm nghiệp

Sáng 03/10/2024, tại Hà Nội, Cục Lâm nghiệp phối hợp với Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo “Các bon rừng – Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng”.

Ông Trần Quang Bảo Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và ông Hà Công Tuấn Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì Hội thảo. Hội thảo thu hút sự tham gia của khoảng 150 đại biểu trực tiếp và 300 điểm cầu trực tuyến trên cả nước.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường đã trở thành những vấn đề toàn cầu cấp bách. Vai trò của rừng, đặc biệt là việc hấp thụ và lưu giữ các bon là một trong những giải pháp hàng đầu giúp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cung cấp các thông tin cập nhật về tình hình thị trường các – bon tự nguyện

Việt Nam, là thành viên của Công ước Khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris, đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, tại COP26 năm 2021, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Cam kết này mở ra những cơ hội mới cho ngành lâm nghiệp trong việc thiết lập và vận hành cơ chế tài chính nhằm huy động nguồn lực quốc tế và trong nước, thông qua việc phát triển thị trường và thúc đẩy trao đổi tín chỉ các bon rừng.

Lâm nghiệp hiện là lĩnh vực duy nhất có khả năng phát thải ròng âm, nhờ vào quá trình bảo vệ và phát triển rừng của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế. Tuy nhiên, thị trường các bon rừng ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Ông Phạm Hồng Lượng, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp trình bày tổng quan về hiện trạng, tiềm năng, định hướng phát triển thị trường các – bon trong lĩnh vực lâm nghiệp

Trong bối cảnh đó, Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thị trường các bon, chính sách quản lý tín chỉ các bon và phát triển thị trường các bon trong nước. Đồng thời, thảo luận về thực trạng và tiềm năng của các bon rừng, xác định những cơ hội thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang đối mặt trong việc phát triển thị trường các bon rừng. Từ đó, đề xuất các giải pháp và định hướng phát triển bền vững cho thị trường này.

Việt Nam hiện đang triển khai Chương trình chuyển nhượng kết quả giảm phát thải/tín chỉ các bon rừng thông qua Thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với Ngân hàng Thế giới. Kết quả là đã chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tấn CO2 và tiếp nhận 51,5 triệu USD trong giai đoạn 2018-2019.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét đàm phán, ký kết Thỏa thuận mua bán giảm phát thải cho 11 tỉnh vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ với Tổ chức Tăng cường Tài chính Lâm nghiệp (Emergent).

Cục trưởng Trần Quang Bảo cho biết với hơn 14,8 triệu ha rừng, chiếm khoảng 42,02% diện tích tự nhiên – rừng Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu.

Từ tiềm năng này, Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc tham gia vào thị trường các – bon toàn cầu, thông qua việc bán tín chỉ các – bon từ rừng. Theo ước tính, nếu được quản lý và phát triển tốt, thị trường này có thể mang lại hàng trăm triệu USD mỗi năm. Nguồn lợi này sẽ giúp mang lại nguồn thu lớn cho lâm nghiệp, giúp đầu tư vào bảo vệ rừng, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường. Ngoài ra, việc tham gia vào thị trường các – bon còn giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, đặc biệt là mục tiêu trung hòa các – bon vào năm 2050 đã cam kết tại Hội nghị COP26.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc tham gia vào thị trường các – bon còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Đại diện Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài Nguyên và Môi trường thông tin về các chính sách quản lý và phát triển thị trường các – bon tại Việt Nam

“Việc cải thiện hệ thống quản lý, tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh nhận thức xã hội là những bước quan trọng để Việt Nam có thể phát triển thị trường tín chỉ các – bon rừng hiệu quả” – Cục trưởng Trần Quang Bảo nhấn mạnh.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận về các – bon rừng và tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng

Để thúc đẩy phát triển thị trường và triển khai thương mại tín chỉ các – bon rừng trong thời gian tới, Cục Lâm nghiệp xác định 07 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm:

  1. Rà soát, cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định lĩnh vực lâm nghiệp.
  2. Nghiên cứu tiềm năng và phân bổ hạn ngạch giảm phát thải và hấp thụ các bon từ rừng cho các địa phương.
  3. Hoàn thiện thể chế chính sách về chuyển nhượng và quản lý tài chính nguồn thu từ tín chỉ các bon rừng.
  4. Xây dựng tiêu chuẩn các – bon rừng Việt Nam, phương pháp luận tính toán kết quả giảm phát thải và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng giảm phát thải/tăng hấp thụ các-bon của rừng; hướng dẫn xây dựng và triển khai thí điểm một số dự án tiềm năng.
  5. Tuyên truyền, tăng cường năng lực cho các bên liên quan về các bon rừng.
  6. Tiếp tục triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải với Ngân hàng Thế giới; tham mưu đàm phán, ký kết và triển khai Thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ với Tổ chức Emergent.
  7. Tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực quốc tế và khối tư nhân.

Đối với các địa phương, cũng cần chủ động huy động và lồng ghép các nguồn lực hợp pháp thực hiện các biện pháp giảm phát thải/tăng hấp thụ trong lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, cần kêu gọi sự tham gia tích cực và đóng góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường các – bon rừng tại Việt Nam.