Ngành gỗ chắt chiu từng đơn hàng đạt mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD

Chiều ngày 9/8, tại Bình Dương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Giao ban ngành chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2023”.

Hội nghị có sự tham dự và đồng chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đồng chí Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương. Hội nghị có sự tham gia của đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam; Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh; Hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương; Hội Gỗ và Thủ công Mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai; Hội Gỗ và Lâm sản Bình Định; Hội Gỗ và lâm sản tỉnh Thanh Hóa; Hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ Nghệ An; các Chi hội gỗ dán, dăm gỗ, viên nén gỗ và một số doanh nghiệp chế biến gỗ.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng và tìm các giải pháp hữu hiệu để phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh ngành chế biến gỗ và lâm sản có sự sụt giảm sâu về giá trị xuất khẩu trong thời gian qua.

Đối diện với rất nhiều khó khăn

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, giá trị xuất khẩu lâm sản 7 tháng năm 2023 ước đạt 7,78 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: Gỗ và sản phẩm gỗ 7,21 tỷ USD, giảm 26,2 % (sản phẩm gỗ 4,81 tỷ USD, giảm 30 %; gỗ nguyên liệu 2,39 tỷ USD, giảm 14,2%); lâm sản ngoài gỗ 580 triệu USD, giảm 15,4 %.

Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc. Tổng giá trị xuất khẩu sang 5 thị trường này trong 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,44 tỷ USD, chiếm 89 % tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, trong đó lớn nhất là thị trường Hoa Kỳ 3,1 tỷ USD.

Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Bình Dương ước đạt 2,7 tỷ USD; giảm 5,3% so cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ đã giảm quy mô sản xuất, giảm lao động.

Ông Nguyễn Liêm – Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương – cho rằng, năm nay, Bình Dương đang lo ngại về doanh số xuất khẩu giảm khi thị trường xuất khẩu ảm đạm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng.

“Ngành gỗ tỉnh Bình Dương vận dụng các cơ hội xúc tiến thương mại, giao thương bằng cách tổ chức các hội chợ trong nước, tham gia các hội chợ nước ngoài. Tận dụng những thị trường mà lâu nay ngành gỗ bỏ trống như thị trường Trung Đông. Từ đó sẽ có những đơn hàng, tuy không lớn nhưng đủ để các doanh nghiệp chống chịu trong thời gian này”, ông Nguyễn Liêm nhấn mạnh.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu

Không chỉ khó khăn trong việc thiếu, vắng đơn hàng, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – nhận định, ngành gỗ còn đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, trong lĩnh vực hoàn thuế giá trị gia tăng, đến nay kết quả hoàn thuế bị chậm của các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh những khó khăn khách quan và chủ quan, ông Đỗ Xuân Lập cho hay, hiện đã có tín hiệu phục hồi kinh tế ở các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam như tại thị trường Mỹ. Hướng đi của doanh nghiệp ngành gỗ để phát triển bền vững, yếu tố về thị trường đang là sự quan tâm của ngành gỗ lúc này.

Ngành gỗ chắt chiu từng đơn hàng đạt mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị tin tưởng ngành chế biến gỗ sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, thu được kết quả tốt đẹp

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh toàn ngành đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm biến những bất lợi thành cơ hội, những nguy cơ thành thời cơ.

Trước các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị Cục Lâm nghiệp và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp trong lĩnh vực chế biến và thương mại lâm sản, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Thông tin kịp thời cho các cơ sở chế biến gỗ tại các làng nghề về chính sách và các quy định gỗ hợp pháp của Việt Nam, vùng địa lý nhập khẩu gỗ rủi ro về nguồn gốc và xu hướng sử dụng sản phẩm có trách nhiệm với môi trường, cũng như quy định mới của EU về xuất nhập khẩu các sản phẩm không gây mất rừng. Đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy ngành chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 và các năm tiếp theo. Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, hoàn hiện thể chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu, phát triển gỗ nguyên liệu rừng trồng trong nước có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, hợp pháp…

“Tôi đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ và xuất nhập khẩu lâm sản tiếp tục duy trì sự đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau, năng động, sáng tạo, chủ động liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm từ khâu trồng rừng tạo nguyên liệu tới chế biến, xuất khẩu lâm sản” – Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nói.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn đồng hành cùng với các Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam trong việc vượt qua các khó khăn, thách thức, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, thúc đẩy ngành chế biến gỗ, lâm sản Việt Nam trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu.

TH