Nhằm thúc đẩy xuất khẩu gỗ và lâm sản nói chung và xuất khẩu gỗ và lâm sản sang thị trường Châu Âu nói riêng, ngày 29/9/2023, tại Bình Dương, Cục Lâm nghiệp đã phối hợp với Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu lâm sản sang thị trường EU. Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh xuất khẩu lâm sản 9 tháng đầu năm 2023 sụt giảm mạnh.
heo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, những tháng gần đây thị trường đã có những dấu hiệu tích cực. Đơn hàng xuất khẩu gỗ ở một số thị trường trọng điểm như Mỹ, Châu Âu đã tăng, các doanh nghiệp cũng đã có khách hàng trở lại. Tuy nhiên, đơn hàng chủ yếu vẫn chỉ trong thời gian ngắn và quy mô nhỏ. Tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực, do vậy nhu cầu đối với các mặt hàng không thiết yếu như gỗ và sản phẩm gỗ vẫn bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh đó, EU vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu chính, quan trọng đối với sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam, còn nhiều dư địa để phát triển. Tuy vậy, việc xuất khẩu gỗ và lâm sản sang một thị trường “khó tính” và có yêu cầu cao như thị trường EU cũng đặt ra rất nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, đa số các doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản Việt Nam có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực để xây dựng thương hiệu, kênh phân phối sản phẩm gỗ và lâm sản trực tiếp tại thị trường EU mà phải thông qua kênh phân phối của các doanh nghiệp nước ngoài, điều này cản trở việc chủ động, tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng tại thị trường EU. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng gặp khó khi EU bổ sung thêm một số quy định mới về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU tác động đến doanh nghiệp Việt Nam trong đó có ngành gỗ và Luật Chống phá rừng của Liên minh Châu Âu.
Để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và lâm sản sang EU trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng trong thời gian tới, các cơ quan quản lý cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định luật pháp về đảm bảm gỗ hợp pháp Việt Nam, gồm: Xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam; xây dựng và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về Quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.
Cùng với đó là phát triển nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng hợp pháp đáp ứng yêu cầu sản xuất của ngành chế biến gỗ thông qua việc phát triển rừng trồng tập trung, rừng trồng gỗ lớn theo hướng bền vững. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp gỗ nguyên liệu của EU sang giới thiệu, quảng bá gỗ nguyên liệu tại Việt Nam; kiểm soát chặt việc nhập khẩu gỗ từ các vùng địa lý rủi ro về nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Vấn đề xúc tiến thương mại và quảng bá cũng được các đại biểu quan tâm và đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức hoặc tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm gỗ nhằm thu hút các doanh nghiệp đến từ EU; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển thương hiệu, kênh phân phối sản phẩm gỗ Việt tại các thị trường EU. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần thường xuyên cung cấp các thông tin về thị trường, chính sách quy định về xuất nhập khẩu gỗ và lâm sản của thị trường này, để các doanh nghiệp chủ động thích ứng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó cục trưởng Triệu Văn Lực khẳng định Cục Lâm nghiệp luôn đồng hành cùng với các Hiệp hội và doanh nghiệp, vượt qua các khó khăn, thách thức để thúc đẩy ngành chế biến gỗ, lâm sản Việt Nam trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu.
Phó cục trưởng cũng đề nghị, trong thời gian tới, ngoài các giải pháp, định hướng đã được nêu ở trên, các Hiệp hội, doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với Cục Lâm nghiệp trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2030./.