Ngày 27/02/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, Hội Chủ rừng Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới”.
Hội thảo nhằm mục đích thúc đẩy thực hiện thành công Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 với các trọng tâm trao đổi, thảo luận nhằm nhận diện và phân tích được những thách thức, tác động của hệ thống pháp luật, quy định và các rào cản, cam kết quốc tế mới ảnh hưởng đến việc thực hiện Chiến lược trong giai đoạn tới; trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp, khuyến nghị để hạn chế, giảm thiểu các tác động tiêu cực và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chiến lược trong giai đoạn mới.
Chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng
Các báo cáo tại Hội thảo cho thấy, sau 03 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ, ngành Lâm nghiệp đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng trên tất cả các mặt: kinh tế, an sinh xã hội và môi trường. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các giải pháp trong công tác bảo vệ và phát triển rừng và tổ chức, phát triển sản xuất lâm nghiệp đã được triển khai toàn diện, đồng bộ.
Về kinh tế, cơ cấu sản xuất lâm nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng ngày càng nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất lâm nghiệp. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng ổn định 4,6%/năm. Hàng năm, cả nước trồng được trên 260 nghìn ha rừng. Năng suất, chất lượng rừng trồng được nâng cao, cung cấp trên 70% nguyên liệu gỗ cho chế biến lâm sản, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt bình quân 15,8 tỷ USD, tỷ lệ xuất siêu cao. Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đạt bình quân 3.650 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, năm 2023 đã thu được 4.130 tỷ đồng, trong đó có 997 tỷ đồng từ dịch vụ hấp thụ, lưu giữ các – bon rừng, góp phần giảm áp lực chi ngân sách nhà nước, thực hiện chi trả kinh phí để bảo vệ khoảng 7,3 triệu ha rừng, trở thành một nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành lâm nghiệp.
Về an sinh xã hội, các hoạt động lâm nghiệp đã tạo ra việc làm cho khoảng 5 triệu lao động trực tiếp. Chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư với bình quân khoảng 6,2 triệu ha/năm, tạo nguồn thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân, góp phần xoá đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở các vùng miền núi.
Về môi trường, tỷ lệ che phủ rừng tiếp tục duy trì đạt 42,02%; tăng cường quản lý chặt chẽ và dừng khai thác chính gỗ từ rừng tự nhiên; công tác bảo vệ và phát triển rừng có nhiều tiến bộ, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh môi trường; góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, thực hiện các cam kết toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và các mục tiêu khác về phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị, thành quả mà Chiến lược mang lại rất lớn. “Lâm nghiệp đóng góp 30% vào giá trị sản xuất chung của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đó là nguồn động viên lớn với những người làm nghề rừng và 3,6 triệu ha rừng sản xuất” – Thứ trưởng chia sẻ.
Một điểm sáng được lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, là năm 2023 lần đầu tiên Việt Nam bán được hơn 10 triệu tín chỉ các bon, thu về hơn 50 triệu USD. Trong số 60 quốc gia có khả năng bán “mặt hàng” này, Việt Nam đã kịp đứng vào vị trí thứ 15 và dự kiến tiếp tục phát triển thị trường giàu tiềm năng này.
Linh hoạt thích ứng với điều kiện và quy định mới
Tuy đã có những thành quả nhất định, nhưng quá trình thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp cũng còn những tồn tại, khó khăn như quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch 3 loại rừng còn chồng chéo, thiếu tính đồng bộ. Công tác giao rừng, thuê rừng còn chậm triển khai. Việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai các quy định pháp luật, quy hoạch lâm nghiệp, các cơ chế, chính sách còn chậm, chưa đáp ứng được thực tiễn. Năng suất, chất lượng rừng trồng còn thấp. Việc trồng rừng phòng hộ, đặc dụng gặp nhiều khó khăn. Chậm đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, sắp xếp công ty lâm nghiệp. Mức hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng và chế độ, chính sách đối với lực lượng bảo vệ rừng còn quá thấp, chưa thật sự tạo động lực cho bảo vệ và phát triển rừng. Ngân sách nhà nước đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng còn khó khăn. Nhiều địa phương chưa quan tâm đầu tư, bổ sung ngân sách cho bảo vệ và phát triển rừng. Ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển chưa bền vững, chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, khả năng dẫn dắt, làm chủ thị trường nội địa và mở rộng thị trường quốc tế còn hạn chế; khả năng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với vùng nguyên liệu còn chưa chặt chẽ…
Trong giai đoạn tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra 7 chỉ tiêu và 11 giải pháp cho năm 2024, trong đó tập trung hoàn thành Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia và các thông tư hướng dẫn địa phương đáp ứng Luật Đất đai (sửa đổi), hỗ trợ các công ty nông lâm trường chuyển dịch mạnh mẽ từ tư duy sản xuất lâm nghiệp sang kinh tế lâm nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho rằng, ngành lâm nghiệp đang đứng trước những cơ hội, thách thức đan xen nhau trong bối cảnh, tình hình mới cả trong nước và quốc tế. Hiện Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến ngành lâm nghiệp, thể hiện qua một loạt nghị quyết, chỉ thị được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ ban hành. Vừa qua, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua. Tất cả thôi thúc những người hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp phải tiếp tục đổi mới, tìm tòi để phát huy hơn nữa giá trị của rừng, mang lại sinh kế ổn định hơn cho người dân
Về điểm hạn chế đầu tư của ngành, Thứ trưởng cũng chỉ rõ, không thể “ngồi im chờ ngân sách”. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị kêu gọi các bên chủ động, linh hoạt, quyết liệt vào cuộc để tăng nguồn thu đầu tư cho lâm nghiệp.
Ông Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và PTNT, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) ban hành là cơ hội để sửa đổi, bổ sung pháp luật về lâm nghiệp nhằm bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật Đất đai (sửa đổi).
Cũng liên quan đến các vấn đề quy định pháp luật, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, để thực hiện hiệu quả hơn nữa Chiến lược phát triển lâm nghiệp trong giai đoạn tới, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi)./.