Những năm qua, việc phối hợp giữa các bên liên quan trong sử dụng hệ thống dữ liệu về kiểm tra, giám sát và đánh giá thực hiện chi trả DVMTR hàng năm các công cụ, phần mềm kỹ thuật phục vụ cập nhật bản đồ chi trả được thực hiện tốt tại các địa phương. Việc xây dựng các chỉ số giám sát đánh giá cho cả hệ thống Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và Quỹ tỉnh nhanh chóng, đảm bảo tính chính xác đồng nhất về số liệu.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) chính thức triển khai thực hiện ở Việt Nam từ năm 2011 được quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ. Đến nay, chính sách đã được luật hóa trong Luật Lâm nghiệp và đang được triển khai thực hiện theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Có thể nói đây là một chính sách quan trọng, đột phá của ngành Lâm nghiệp trong huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, nguồn vốn xã hội cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần ổn định đời sống của chủ rừng, người dân, cộng đồng tham gia quản lý và bảo vệ rừng.
Trong bối cảnh thời đại công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, thì việc cập nhật, đổi mới những công nghệ, ứng dụng tiên tiến, hiện đại trong kiểm tra giám sát càng trở nên cấp thiết hơn. Từ năm 2022, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và dự án VFBC đã tiến hành sửa đổi phần mềm GSĐG để thuận tiện hơn cho hệ thống Quỹ nhập liệu và theo dõi hiệu quả việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR, đến nay phần mềm đã cơ bản hoàn thiện với các chỉ số phục vụ cung cấp số liệu cho báo cáo Quý, tháng, năm.
Để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của chính sách, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã triển khai tập huấn 04 đợt cho các tỉnh thuộc vùng dự án, hướng dẫn chi tiết việc kiểm tra, giám sát, đánh giá dịch vụ môi trường rừng cho hệ thống Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh nhằm định hướng được sự cần thiết, quan trọng đối với các vấn đề chi trả DVMTR; hiệu quả của chính sách chi trả DVMTR đối với công tác BV&PTR, kinh tế xã hội và nhận thức của người dân. Qua đó nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, sử dụng tiền DVMTR của hệ thống quỹ và các bên liên quan.
Hệ thống giám sát đánh giá cho chi trả dịch vụ môi trường rừng, phần mềm được xây dựng nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý, cập nhật các chỉ số và báo cáo số liệu phục vụ cho giám sát đánh giá hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam (VNFF) và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh (Quỹ tỉnh). Phần mềm này cho phép báo cáo theo thời gian và đơn vị quản lý, cải thiện quy trình nhập dữ liệu, chỉnh sửa, phê duyệt, báo cáo, tốc độ truy cập, xuất báo cáo, nâng cấp giao diện cho thân thiện với người sử dụng và chia sẻ dữ liệu giữa các cấp quản lý.
Phần mềm giám sát đánh giá được phát triển tập trung vào các chức năng về chỉ số để cung cấp thông tin theo từng chỉ số, từ đó có thể xuất ra được các báo cáo định kỳ như báo cáo tháng, báo cáo 6 tháng, báo cáo quý và báo cáo năm. Ngoài ra, phần mềm giám sát đánh giá cho phép người dùng tải lên dữ liệu trích xuất từ bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Trong năm 2023, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã triển khai 04 đợt tập huấn cho 07 tỉnh thuộc vùng dự án (Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam). Qua đánh giá của các Quỹ tỉnh được tập huấn triển khai, phần mềm được đánh giá hiệu quả cao khi đi vào khai thác và sử dụng.
Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Việc triển khai phần mềm kiểm tra giám sát đem lại rất nhiều tiện ích về cung cấp các số liệu một cách có hệ thống từ địa phương đến trung ương, cung cấp số liệu phục vụ cho các báo cáo định kỳ tại các cấp, số liệu được lưu trữ chính xác qua các năm để lập kế hoạch; thuận tiện trong công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành. Thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đến các huyện, các chủ rừng là tổ chức các tính năng hiệu quả của phần mềm”.
Việc áp dụng và triển khai chuyển đổi số trong phần mềm kiểm tra giám sát đến tất cả các Quỹ tỉnh trong cả nước sẽ xây dựng được cơ sở dữ liệu chuyên ngành, do đó các số liệu được sẽ được lưu trữ qua nhiều năm, và có thể theo dõi sự thay đổi về hiệu quả chính sách qua các năm; Số liệu chính xác qua các năm; Số liệu luôn có sẵn cho mọi thời điểm cần báo cáo; Tăng cường tính minh bạch trong việc cung cấp nguồn số liệu cho những người quan tâm (gồm cả người ngoài hệ thống quỹ, các đơn vị sử dụng DVMTR, hoặc cung ứng DVMTR) thông qua các số liệu công khai.