TẢN MẠN VỀ ĐỜI NGƯỜI VÀ RỪNG CÂY

Cục Lâm nghiệp trân trọng giới thiệu bài viết của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, viết tặng Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh:

TẢN MẠN VỀ ĐỜI NGƯỜI VÀ RỪNG CÂY

Sự sẻ chia, nối kết, lan tỏa những ý tưởng mới mẽ sẽ kiến tạo nên không gian phát triển mới cho một ngành, một lĩnh vực và cả đất nước. Đó chính là sứ mệnh của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA). 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

“Khi nghĩ về một đời người. Tôi thường nhớ về rừng cây. Khi nghĩ về một rừng cây. Tôi thường nhớ về nhiều người” (Một đời người một rừng cây – Trần Long Ẩn)những ca từ khiến liên tưởng đến mối tương quan giữa cây và người đầy triết lý nhân sinh.

Nguyễn Công Trứ lại mong muốn “Kiếp sau xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Tại sao không làm một cái gì khác mà phải làm cây thông đứng giữa trời? Ngoài cái ung dung tự tại của một loại cây cao quý, hẳn Nguyễn Công Trứ còn mang hoài bão sống có ích ngay cả khi già nua, mục ruỗng và ngã xuống. Ai là người thấu hiểu những triết lý nhân sinh trên nếu không phải là những người cả đời gắn bó với cây, với rừng?

Lại nói về nhân và quả.

Một sự vật được sinh ra phải từ một hay nhiều nguyên nhân trước đó. Hôm nay đó là một khu rừng thì chắc hẳn ngày xưa là những chòm cây. Hôm nay là những một tán cây cổ thụ xum xuê thì ắt hẳn ngày xưa đã có những mầm xanh. Cuộc sống đủ đầy của mỗi người hôm nay nếu lần ngược trở lại cũng có công sức của bao thế hệ đi trước, của ông bà tổ tiên, của những bậc “tiền hiền khai khẩn” để hôm nay “hậu hiền khai cơ”. Huyền tích “bọc trăm trứng” được mẹ Âu Cơ sinh ra, để rồi 50 người con theo Mẹ lên rừng, 50 người con theo Cha xuống biển hình thành dòng dõi con Rồng cháu Tiên hùng cường, mạnh mẽ với 100 triệu con dân như hôm nay.

Nghĩa là muốn có ngày mai tốt đẹp thì hôm nay phải hành động.

Cây cối luôn có trong môi trường tự nhiên chung quanh mỗi người. Cây cối được nhìn thấy trên những bức tranh, trong những vần thơ, trong lời ca tiếng hát… Có những loài cây tuy nhỏ nhưng vẫn biết cách sinh tồn sau những cơn bão giông, tự tái sinh sau những trận cháy rừng. Có những loài cây già nua, khô cằn, khi chết đi, thân thể mục nát lại trở thành phân bón giúp chồi non mọc lên. Có những loài cây cao cây thấp, tán rộng tán hẹp, lá bản lá kim, vẫn biết nương tựa nhau, nối kết nhau thành những cánh rừng hùng vĩ. Vậy, tính sẻ chia, nối kết phải chăng là những bài học đầu tiên con người nhận được từ thiên nhiên?

Con người cũng như cây cỏ đều là một phần của tự nhiên. Vì thế cũng chịu sự chi phối của quy luật tự nhiên. Những cái cây đơn lẻ dễ bị gió bão quật ngã, những con người đơn độc sẽ khó đương đầu với nghịch cảnh, khó khăn. Nhiều cây hợp lại thành rừng, nhiều người họp lại thành cộng đồng; nhiều doanh nghiệp hợp lại thành tổ chức hội, đoàn tạo nên sức mạnh để thành công.

Mượn cây để nói về người.

Đông tay thì vỗ nên kêu.

Trong thế giới đa chiều, phức tạp hiện nay, không ai có thể đứng riêng lẻ một mình mà thành công. Đối với doanh nghiệp cũng vậy, chỉ có đoàn kết mới tạo được sức mạnh tổng hợp để đứng vững, bứt phá và vượt lên. Câu hỏi đặt ra là làm sao để kết nối mọi người, mọi doanh nghiệp lại với nhau? Câu trả lời là cần phải có người dẫn dắt, phải có tổ chức để tập hợp, quy tụ. Trong phạm vi ngành sản xuất – chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh thì Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) đã được trao sứ mệnh này. Tôi thật sự ấn tượng với hoạt động của HAWA thời gian qua.

Trước đây, các hội, đoàn ra đời thường chỉ để bảo vệ các thành viên khi lợi ích bị xâm phạm, để phản ảnh những bất cập của chính sách và đưa ra khuyến nghị… Điều đó đúng nhưng chưa đủ. HAWA cần hướng tới tư duy cộng đồng, nối kết các doanh nghiệp, kiến tạo những không gian giá trị mới cho ngành hàng, cùng mang lại giá trị to lớn hơn cho đất nước.

Triết lý kinh doanh ngày nay là doanh nghiệp bán giá trị thay vì bán giá cả. Ngược lại, người mua không chỉ mua một sản phẩm mà mua cách tạo ra sản phẩm đó. Câu chuyện cách thức tạo ra sản phẩm và người tạo ra sản phẩm sẽ đẩy nấc thang giá trị lên cao và giữ chân khách hàng trung thành. Một doanh nhân đúc kết: “Buôn bán đừng chỉ biết chăm bẩm lấy tiền của khách hàng mà hãy tìm cách lấy trái tim của họ”. HAWA cần tạo ra không gian lan tỏa những triết lý như vậy.

Thế giới ngày nay được tóm lược bằng khái niệm VUCA (Biến động, Bất động, Phức tạp, Mơ hồ). Những bài học quản trị kinh doanh đôi khi không đủ để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng và khó lường. Những giá trị được tạo ra bằng tư duy tuyến tính (tư duy logic truyền thống) dần được hướng tới giá trị cao hơn nhiều lần nhờ tư duy phi tuyến tính (tư duy sáng tạo). Sự sẻ chia, nối kết, lan tỏa những ý tưởng mới mẽ sẽ kiến tạo nên không gian phát triển mới cho một ngành, một lĩnh vực và cả đất nước. Đó chính là sứ mệnh của HAWA.

Đôi điều tản mạn trước thềm năm mới, xin cám ơn và chúc HAWA biến những điều không thể thành có thể để vươn lên tầm cao mới!

HAWA cần hướng tới tư duy cộng đồng, nối kết các doanh nghiệp, kiến tạo những không gian giá trị mới cho ngành hàng, cùng mang lại giá trị to lớn hơn cho đất nước.